đường sắt hẹp và khắp chỗ, đâu đâu cũng toàn những người miền Nam nhỏ
nhắn và ngăm đen.
Tiếng Quảng-Đông là căn bản cho một thứ ngôn ngữ tạp nham đủ loại.
Người ta thấy đủ các thứ thổ âm miền bể bắc: Ninh-Ba, Hưng-Hóa, Phúc-
Châu- lẫn với ngôn ngữ chính của miền Bắc, nhịp nhàng, chững chạc hơn
cùng với đủ thứ tiếng ngoại quốc. Tất cả tạo nên giọng điệu phức tạp của
Hồng-Kông. Thành phố lại cuồn cuộn thêm người: những người giàu có
chạy sang khu trung lập để giữ của; những kẻ chạy loạn cốt chạy lấy mạng
sống; những công chức chuyên lo về nghiệp vụ và liên lạc; các tay gián
điệp đủ quốc tịch; những người có món gì muốn bán hay những kẻ đi tìm
thứ gì có thể mua. Cuộc chiến trong nội địa, gần đó, ở phía sau dẫy đồi
trong khu Cửu-Long đã ảnh hưởng lên nhịp sống của Hồng-Kông, nó giống
như một chiếc đầu máy phì phò kéo một đoàn xe quá nặng.
Mặc cái vẻ vội vàng và căng thẳng khác lạ biết bao với nhịp sống sang cả
của Bắc-Kinh, đây vẫn là Trung-Hoa. Với chuyến trở về(mặc dù chúng tôi
mới ở ngưỡng cửa), hòa mình vào lối sống Trung-Hoa, thời gian chúng tôi
ở bên Anh trở thành một kỷ niệm mờ ảo như hình ảnh của giấc mơ nhạt
nhòa vào lúc buổi sáng thức dậy. Thật giống y như là những năm dài đã bị
xóa đi. Với tư tưởng và tình cảm lúc đó, chúng tôi gần gũi với cái thời niên
thiếu sống ở miền Bắc hơn. Phải chăng mới hôm qua đây chúng tôi vừa đi
dạo dọc theo con kinh, dưới rặng liễu xanh, oằn mình dưới sức nóng thiêu
đốt của mặt trời. Chúng tôi lại trở nên náo nức, nhiệt thành như những đứa
trẻ khôn trước tuổi, lòng đầy can đảm và lý tưởng, tin chắc vào vinh quang
của xứ sở và thiện chí của mọi người; tổ quốc cần chúng tôi và thế hệ
chúng tôi để xây dựng lại những gì đã đổ vỡ ngả nghiêng.
Chúng tôi mất ba ngày ở Hồng-Kông mà không tìm được cách nào giải
quyết vấn đề di chuyển. Hình như có cái gì trục trặc, nhầm lẫn trong hoàn
cảnh oái oăm muốn giữ chân không cho chúng tôi đi Hán-Khẩu. Sự giải
cứu tới vào lúc không ai ngờ... Tiếng Phu-Chính-Sán trong điện thoại: