bà đó tất phải bị thiệt hại.
Ai?
Tiết Hằng chợt nhớ đến cái cười tủm tỉm của người thư ký nhà báo. Chắc
hẳn Việt Anh đã lôi thôi với một số đông bọn con gái giang hồ. Mà vị tất kẻ
viết lá thư này đã không chính là kẻ đã gửi cái thư mai mỉa Việt Anh mà
nàng đã từng có trong tay. Nàng muốn trông bút tích dò cho ra người, ác
quá, thư cho nàng lại đánh máy chữ…
Tiết Hằng mím miệng vò thư, căm tức những sự nhỏ nhen của loài người.
Nàng hầu như nhọc mệt, cuộc đời chán nản lắm, không còn muốn sao nữa.
Nàng nằm xuống giường, nhắm mắt những muốn tai không còn phải nghe
một tiếng động, óc không còn bận về một ý nghĩ, mắt không còn phải thu
nhặt một hình ảnh… muốn sao cho tâm thần không còn vương chút nợ trần,
cứ được nhẹ lâng lâng.
Không xong!
Những ý nghĩ vẫn đến, những ý nghĩ tối tăm ác nghiệt.
Thoạt đầu, nàng đã lập tức muốn làm thầy cãi cho Việt Anh. Nàng không
muốn tin người viết thư, mặc lòng là người nào. Nàng không muốn tin
những lý luận trong thư, mặc lòng xưa kia đã xảy ra những việc như thế nào.
Song le, đó là ái tình!
Mà ái tình thói thường vẫn là mong manh!
Cho nên cái lòng tự kiêu của nàng - lòng tự kiêu của một người đàn bà -
hầu như bị thương nặng. Hằng không thể cho phép rằng bất cứ là người
nàng yêu dấu đến bậc nào, lại có thể đem ái tình ra dùng làm một vật bài trí
được những sự vô lương tâm. Sự trong sạch của ý nghĩ nàng, cái ngây thơ
của cả mảnh hồn nàng bắt nàng không bao giờ được nghĩ thiên lệch.
Hãi hùng run sợ, nàng thâu trong óc những trường hợp có thể khiến Việt
Anh là đáng nghi, Việt Anh, người nàng yêu, Việt Anh, vị hôn phu của
nàng!
Sao lá thư lại có những lời mà nếu ở ngoài cuộc, người viết không thể viết
được đến thế? Sao cái giọng chua chát bứt dứt của một kẻ đã làm điều gì đến