Đương nhiên tôi cũng không phải là dạng vừa, làm sao có thể phụ lòng
đám bạn đang đứng chờ ở bên ngoài chứ. Thế là tôi lén giở những trang viết
đẹp từ nửa năm trước ra, chọn ba, bốn trang cuối cùng hoặc có lúc tâm
trạng vui vẻ, tôi chọn ra hẳn tám trang để làm thành quả của mình ngày
hôm đó, sau đấy chỉ cần viết nguệch ngoạc thêm mấy trang nữa là có thể
“bàn giao” cho bố rồi.
Làm như thế ba, bốn lần, bố tôi bắt đầu nghi ngờ rằng tại sao chữ của tôi
càng ngày càng xấu. Trước cây roi, tôi đã phải thú nhận sự dối trá của mình
trong nước mắt, từ đó, bố yêu cầu tôi phải viết ngày tháng trên mỗi trang
giấy, muốn lười cũng không được nữa.
Tục ngữ nói, dưa chín ép không ngọt, hằng ngày tôi viết những chữ
“rồng bay phượng múa” mà tâm hồn đâu có ở nhà. Những chữ đó chỉ khiến
bố tôi càng phải chau mày thêm.
Buổi chiều ngày hôm ấy, bố tôi vì bị mệt nên mới có nửa ngày nghỉ ngơi
hiếm hoi, ở nhà trông chừng tôi viết chữ. Thường thường, khi đồng hồ chỉ
mười hai giờ là tôi đã cảm thấy khó chịu, xương cốt toàn thân ê mỏi, ngứa
ngáy.
Đúng lúc ấy có một tên ngốc đứng ngoài cửa thập thò, bố tôi nhìn thấy,
liền gọi: “A Hải, vào đây!”
Chung Tuấn Hải vừa cười hì hì vừa đi vào. Nhóm chúng tôi mỗi khi nhìn
thấy người lớn của các nhà thì đều phải tránh xa, nhất là bố tôi, ông vốn là
một bề trên vô cùng nghiêm khắc.
Không ngờ, hôm đó bố tôi không sầm mặt rồi giáo huấn như bình thường
mà chỉ ôn hòa bảo:
“Nào, viết thử hai chữ cho bác xem nào!”