Nghe nói bố của Chung Tuấn Hải cũng thích cho con trai luyện viết chữ.
Chung Tuấn Hải nghe thấy vậy liền ngẩn người nhưng vẫn ngoan ngoãn
vâng lời.
Tôi biết điều tránh sang một bên, đặt bút, mực, giấy, nghiên trước mặt A
Hải. Cậu ta hoài nghi liếc tôi một cái, sau đó bắt đầu đưa bút viết. Viết
xong, đặt bút xuống, cậu ta lễ phép đứng sang một bên.
Cậu ta mô phỏng thể chữ Liễu(*), mặc dù nét bút còn non nớt nhưng
dáng chữ lại rất đẹp, nét chữ rõ ràng mà mạnh mẽ, cũng không kém phần
thướt tha.
(*) Thể chữ Liễu: viết theo phong cách của Liễu Công Quyền, một nhà
thư pháp nổi tiếng thời Đường, Trung Quốc.
Bố tôi đứng bên cạnh ngắm một hồi, lại so sánh với chữ của tôi, vẻ mặt
ông không thể hiện là tán thưởng hay chán nản, nhưng từ đó, ông không
còn bắt tôi luyện chữ nữa. Tôi vô cùng sung sướng, A Hải quả là đấng cứu
thế của tôi, cho đến khi chúng tôi vì chút lợi cỏn con mà lại tiếp tục tranh
đấu quyết liệt.
Hai.
Vào kỳ nghỉ đông năm mười hai tuổi, chị họ bên ngoại cho tôi một chiếc
váy bằng tơ tằm màu trắng, có đính hoa rườm rà, trông chẳng khác nào váy
cô dâu. Tôi và Ôn Tịnh sung sướng, chuẩn bị chơi trò làm đám cưới.
Vì là chủ nhân của chiếc váy, tôi đương nhiên phải là cô dâu, và vì không
có ai để chọn làm chú rể nên tất nhiên người đó là A Hải.
Nhưng cậu ta khăng khăng muốn Ôn Tịnh làm cô dâu thì mới chơi cùng
chúng tôi. Sự cố chấp đó khiến tôi tức giận, cuối cùng vở kịch vui đã biến
thành bi kịch.