Chính điện rất cao, lối lên cổng chính là một bậc tam cấp có
đến gần hai mươi bậc. Tôi ngước mắt nhìn lên và nhận ra trên
cổng chính có một tấm bảng sơn son thếp vàng viết bốn chữ “Đức
dục quần anh”( ) to tướng, bốn góc mái nhà đều có treo chuông
đồng, gió thổi qua, chuông lại kêu lên leng keng.
Rất nhiều phụ nữ đang đứng trên những bậc tam cấp và trong
tay người nào cũng ôm một con búp bê. Tôi len lỏi giữa đám phụ nữ
và có cảm giác bàng quan đối với những gì đang diễn ra chung
quanh. Không khí ở đây vừa có vẻ nghiêm trang vừa có nét phồn
thực một cách dung tục, vừa có vẻ nghiêm túc vừa có nét hoang
đường. Tôi chợt nhớ lại chuyện ngày xưa mình đã tận mắt chứng
kiến đội Hồng vệ binh của Trường trung học số 1 huyện đã đến
đây đập phá trong cao trào “phá bỏ bốn cái cũ”. Họ, có cả con trai
lẫn con gái khiêng bức tượng Nương Nương vất xuống sông, miệng
hô vang: Kế hoạch sinh đẻ phải thắng lợi, Nương nương hãy xuống
sông mà bơi! Lúc ấy có một đám đông phụ nữ, chủ yếu là những bà
già tóc bạc phơ đang quỳ thành một hàng bên sông, cúi đầu lạy và
lầm rầm khấn vái gì đó. Có lẽ là họ đang khẩn cầu Nương Nương
hiển linh trừng phạt những ông trời con này chăng? Không biết
Nương Nương có trừng phạt bọn chúng hay không, nhưng điều này
là có thật: Trên mảnh đất hoang tàng đổ nát ấy, người ta đã trùng
tu một ngôi miếu thật đường bệ. Bên trong miếu đã có một tượng
Nương Nương khác còn to đẹp hơn ngày xưa rất nhiều. Người ta
nói, những công trình này nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa
nhưng đồng thời cũng thể hiện sự sáng tạo mới; vừa đáp ứng nhu
cầu tâm linh của nhân dân nhưng cũng vừa lôi kéo du khách tham
quan. Đúng là xây dựng một xí nghiệp sản xuất không bằng xây
một ngôi miếu. Người quê tôi, bạn bè của tôi không phải đang bám
vào ngôi miếu này để sống đấy sao?