xệch, gương mặt trầm tư... Ngài nói, những hình tượng ấy có lúc lại
dung hòa thành một thể thống nhất nhưng cũng có lúc lại phân ly,
chẳng khác nào những bức tượng điêu khắc độc lập. Ngài đã động
viên những người yêu thích văn học trong huyện chúng tôi rằng, từ
những tài liệu sống động về người cô ấy của tôi, chúng tôi có thể
viết được những bộ tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, kịch... đủ sức
làm người ta cảm động. Thưa tiên sinh, những lời cổ vũ của ngài đã
khiến chúng tôi nhiệt tình với sáng tác hơn, rất nhiều người đã
bắt tay ngay vào thử bút. Một người bạn văn của tôi ở Cung văn hóa
huyện đã động bút viết một tiểu thuyết về một nữ bác sĩ nông
thôn. Tôi không muốn dẫm theo bánh xe của anh ta. Mặc dù tôi hiểu
về người cô hơn anh ta nhiều lần, nhưng đành phải nhường cho
anh ta viết tiểu thuyết vậy. Thưa tiên sinh, tôi muốn viết một vở
kịch nói về cuộc đời người cô mình. Tối mồng hai tết, trong cuộc
nói chuyện giữa chúng ta bên chiếc giường đất được sấy ấm của
tôi, ngài đã đánh giá rất cao tác phẩm của nhà viết kịch người Pháp
Henri Becque. Những lời phân tích rất tinh tế cũng như nhãn quan
độc đáo của ngài đã khiến tôi như người đang mê được thấm
nhuần chân lý giác ngộ, đầu óc u tối của tôi đột nhiên đốn ngộ!
Tôi cần phải viết, viết ra những kịch bản “ruồi nhặng”, “nhơ
nhuốc”, dũng cảm hướng về mục tiêu trở thành một “đại kịch tác
gia”. Tôi kính phục trước lời dặn dò của ngài: Đừng vội vàng, cứ thư
thả, nhẫn nại giống như ếch xanh ẩn dưới lá sen chờ đợi côn trùng;
nghĩ kỹ rồi hãy hạ bút, giống như sự nhanh nhẹn của ếch xanh khi
chộp lấy con mồi.
Tại sân bay Thanh Đảo, trước khi chia tay để ngài lên máy bay,
ngài còn nói với tôi, hy vọng tôi dùng cách viết thư kể chuyện về
người cô của mình cho ngài nghe. Cuộc đời cô tuy chưa kết thúc
nhưng đã có thể dùng những cụm từ như “cuồn cuộn như sóng
triều”, “lên bổng xuống trầm” để hình dung. Chuyện về cô ấy
quá nhiều, tôi không biết là lá thư này phải viết dài đến bao