Đó là một loại than đá chất lượng rất tốt do mỏ than Long
Khẩu sản xuất, sáng lấp lánh, nếu phẳng một tí thì nó có thể
chiếu được cả mặt người. Sau này tôi chưa bao giờ gặp lại một loại
than đá nào sáng đến mức ấy. Người đánh xe trong thôn là Vương
Cước đánh chiếc xe ngựa để chuyển than lên huyện lỵ. Vương Cước
đầu vuông, trán dồ, miệng rộng; khi nói năng đôi mắt sáng trưng,
mặt đỏ rần. Con trai ông ấy là Vương Can, con gái Vương Đảm
(cũng là gan và mật!) đều là bạn học của tôi. Can và Đảm là song
sinh cùng trứng nhưng Can có thân hình vô cùng cao lớn, còn Đảm lại
là một đứa con gái hình như không bao giờ lớn lên được. Nói có vẻ
khó nghe một tí, cô ấy là một người lùn. Người ta kháo nhau rằng,
khi còn ở trong bụng mẹ, Can đã dùng sức mạnh tranh hết phần
dinh dưỡng của Đảm, do nên Đảm mới trở thành hình dạng như bấy
giờ. Khi Vương Cước dỡ than xuống khỏi xe cũng chính là lúc tan
học, chúng tôi đứa nào cũng mang túi xách sau lưng, quây chung
quanh mà cười đùa. Vương Cước dùng một chiếc xẻng thật to xúc
từng xẻng than đổ xuống đất, từng hòn than xếp chồng lên nhau,
tiếng kêu rào rào rất vui tai. Trên cổ Vương Cước đã lấp lóa mồ
hôi. Ông ấy dừng tay nới lỏng giải thắt lưng bằng vải quấn quanh
bụng. Lúc ấy, Vương Cước mới nhận ra trong đám trẻ có Can và
Đảm, bèn nạt lớn: Về nhà ngay, đi cắt cỏ! Vương Đảm quay người
chạy một mạch. Nó chạy, thân hình lắc lư, hầu như không có trọng
tâm chẳng khác nào một đứa bé mới bắt đầu tập đi, trông rất dễ
thương. Còn Vương Can thì lùi lại sau lưng bạn bè, nhưng không chịu
về. Lúc nào Vương Can cũng cảm thấy rất tự hào về công việc của
bố. Học sinh lúc này, dù bố có lái máy bay cũng chưa chắc đã cảm
nhận được sự tự hào của Vương Can lúc ấy. Chiếc xe ngựa to đùng,
khi chạy hai bánh nghiến xuống đất làm tung lên những làn bụi,
kiêu hùng thay! Kéo xe là chú ngựa vốn chuyên kéo pháo kéo đạn
trong quân đội, nghe đâu cũng đã từng lập nên nhiều chiến công,
trên mông vẫn còn có dấu vết như bị bỏng. Phụ sức cho chú ngựa
này còn có một con la, được nối với càng xe bằng một sợi dây dài.