Điểm dở khóc dở cười của tôi chính là tôi đã thi đỗ vào một trường đại
học danh tiếng mà trước đây không bao giờ dám nghĩ đến. Song một đứa
dốt hóa kiêm bệnh nhân mắc hội chứng sợ hóa học nghiêm trọng như tôi
cuối cùng lại bị đẩy vào học ở cái học viện Hóa học này. Vì sao tôi lại chui
vào đây, đó là cả một câu chuyện dài.
Trường cấp ba của tôi là trường trọng điểm của một huyện bình thường.
Sở dĩ nói là trường trọng điểm bởi đó là trường cấp ba duy nhất trong huyện
chúng tôi. Là trường trọng điểm duy nhất của huyện nhưng trường tôi lại
được đặt trên tỉnh, vì thế để thi được vào đó cũng không phải dễ.
Khi học cấp ba, tôi chỉ được tuyên dương thành tích vài lần, còn cơ bản
đều trôi dạt ở con số ba mươi gì đó. Với kết quả này, nếu có thể vào được
các trường đại học hàng đầu, tôi sẽ tạ ơn trời, tạ ơn tổ tiên lắm. Vì thế, khi
điền vào giấy nguyện vọng chọn trường, tôi chỉ nghĩ sẽ chọn một trường
loại hai vừa sức mình, sau đó thi thử một vài trường hạng B, nhỡ đâu lại có
thể phát huy khả năng. Còn về những trường thuộc hạng “Top ten”, tôi
không bao giờ nghĩ đến, chỉ tiện tay tích đại vào một trường X nào đó. Có
lẽ lúc đó vì rảnh rang nên tôi mới chọn tích vào một chuyên ngành hot, sau
đó đi đăng ký.
Hai ngày thi đại học tôi như bị trúng tà, tốc độ tính toán của tôi bỗng
nhanh một cách bất thường. Ngay cả môn hóa học thường ngày tôi sợ nhất
lúc đó cũng chẳng là gì.
Thi xong, tôi run rẩy cầm tờ đáp án đến hỏi giáo viên chủ nhiệm: “Thưa
cô, đáp án này chắc là sai phải không ạ?”
Giáo viên chủ nhiệm lớp tôi là một phụ nữ vô cùng hiền hậu. Cô mở to
cặp mắt trên chiếc mũi dọc dừa thanh tú, ân cần nói: “Mộc Nhĩ à, nếu
không thi đỗ thì năm sau thi lại, năm sau cô sẽ đưa em đi.”
Tôi cuống quýt hỏi: “Nhưng tại sao em lại thấy đáp án của mình tương
tự trong tờ đáp án ạ?”
Cô Lý dịu dàng vuốt tóc tôi, mỉm cười nói: “Đừng nghĩ ngợi linh tinh
nữa, nhân dịp nghỉ hè hãy đi chơi vài ngày đi.”