Cơ Quân Đào nhấp một ngụm trà, chằm chằm nhìn một bức hoành phi
thư pháp trên tường: “Bến hoang không người đò quay ngang”. Không có
chữ ký nhưng anh có thể nhận ra đó là chữ của mẹ, nét chữ nho nhã, mềm
mại, chữ cũng như người. Mẹ để lại không nhiều thư họa, tất cả đều được
anh cất kỹ trong phòng vẽ. Nhưng đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy bức thư
pháp này.
“Bố kẹp trong các tác phẩm được mang tới đây cho triển lãm lần này”.
Cơ Quân Dã dịu dàng nói: “Phòng triển lãm này là tâm huyết của mẹ, em
muốn treo một tác phẩm của mẹ ở đây. Lát nữa em dặn người treo nó trong
văn phòng anh”.
“Anh cũng chẳng mấy khi đến đây, cứ treo ngoài này đi. Bức thư pháp
này, mẹ viết bao giờ?” Cơ Quân Đào hỏi. Những năm cuối cùng, mẹ bị
bệnh trầm cảm, hầu như không động đến bút, nhưng qua bút pháp có thể
nhận ra đây là một tác phẩm thời kỳ cuối của bà.
“Em đã hỏi bố rồi nhưng bố không nói”. Cơ Quân Dã lén liếc mắt nhìn
anh trai.
Tác phẩm tiêu biểu Trừ Châu Tây giản của nhà thơ đời Đường - Vi Ứng
Vật viết: “Chỉ thương nhánh cỏ sống bên khe, trên cây chim vàng anh vẫn
hót. Thủy triều mùa xuân mang theo mưa, trời sập tối, bến hoang không
người đò quay ngang”. Cả bài thơ mượn cảnh tả tình đã cho thấy lòng dạ
không màng danh lợi và tâm trạng buồn bã của thi nhân. Có điều khi viết
lại những câu thơ này, tâm tình mẹ anh ra sao?
Cơ Quân Đào u sầu không nói gì, trong lòng rối như tơ vò.
“Anh, nhân tiện hôm nay anh đến đây thì xem mấy bức em chọn giúp
anh thế nào. Theo anh nên để cùng tranh của bố hay là...” Thấy sắc mặt anh
không vui, Cơ Quân Dã vội dừng lại.