nhưng lười biếng “chẳng tự mình làm nên gì cả”, nhưng đúng là anh xuất
thân từ tầng lớp thượng lưu, luôn học trường tư và giao lưu với giới quyền
thế. Tôi chẳng thấy khó chịu gì với cái thế giới ấy, nhưng chỉ đứng bên lề
cho đến khi Peter kéo tôi vào vòng xoáy của máy bay riêng, du thuyền, rồi
biệt thự nghỉ mát ở Nantucket và St. Bart.
“A! Rốt cuộc thì vỉa hè không còn tuyết đọng nữa rồi,” tôi nói, sung
sướng được diện giày cao gót và áo khoác len mỏng manh sau nhiều tháng
trời lê ủng cao su và áo phao phùng phình.
“Anh thấy rồi... Quel soulagement,”
Peter thì thầm, choàng tay quanh
người tôi. Tôi thấy chỉ mình anh là nói chuyện bằng tiếng Pháp mà không
có vẻ gì khoe khoang khó chịu, có lẽ vì là con trai của một người mẫu thời
trang Pháp và nhà ngoại giao Mỹ nên gần như suốt tuổi thơ anh đã sống ở
Paris. Kể cả sau khi qua Mỹ sống từ năm mười hai tuổi thì lúc ở nhà anh
vẫn được phép chỉ nói bằng tiếng Pháp. Bởi vậy, cả phát âm lẫn cung cách
cư xử của anh đều không chê vào đâu được.
Tôi mỉm cười và áp má vào bờ vai rộng của anh còn anh thì hôn lên tóc
tôi và nói, “Giờ đi đâu đây, Nhà Vô Địch?”.
Anh đặt biệt danh này sau khi tôi thắng anh trong trò chơi sắp chữ đầy
tranh cãi tại buổi hẹn hò lần thứ ba, tăng gấp đôi khoản đặt cược và lại
thắng lần nữa, hả hê suốt từ đầu chí cuối. Tôi cười rồi phạm một sai lầm tai
hại khi tiết lộ với anh rằng “Nhà Vô Địch” là cái tên gọi trêu đùa dành cho
con chó thuở bé của tôi, một con chó săn mồi giống Labrador có bộ lông
màu sô cô la bị lòa, bị tật một chân, thế là từ đấy đóng đinh luôn cách gọi
âu yếm này. Cái tên “Marian” nhanh chóng bị giáng xuống cho những lúc
có mặt người khác, những khi nổi đóa với nhau, và những lần tranh cãi họa
hoằn.
“Hay là mua đồ tráng miệng?” tôi gợi ý khi cả hai rẽ ở góc đường. Bọn
tôi tính xem nên ăn bánh Magnolia hay bánh quế Rocco, nhưng rồi quyết
định là đã no đến mức không ních nổi thứ gì nữa và sẽ chỉ đi dạo trong sự
tĩnh lặng dễ chịu, tha thẩn qua mấy quán cà phê, quán bar và đám sinh viên