thiết phải quân bình âm dương mà còn có thái âm, thiếu dương và ngược
lại. Sự luân chuyển âm thịnh dương suy rồi dương thịnh âm suy tạo thành
nguyên lý của sự biến dịch trong trời đất, từ đó có sinh có diệt, có thịnh có
suy. Không một vật thể nào có duy nhất một tính chất, duy nhất dương hay
duy nhất âm, cũng có nghĩa là không một sự vật nào nằm yên bất biến, hay
giữ được tính chất tuyệt đối của chúng cả. Lý âm dương tương tác này của
Đạo gia giống với tính chất vô thường của đạo Phật. Muôn vật vô thường vì
không có sự bất biến, thường hằng. Cả con người cũng vậy, đều phải tuân
theo qui luật “thành, trụ, hoại, không”. Con hiểu kịp những gì thầy đang nói
không?
Trần Lâm vốn thông tuệ lại từ bé đã được cha mẹ dạy dỗ đường
hoàng, thời gian đi biển cùng Lê Trung nó cũng được ông ta chỉ bảo nhiều
việc nên kiến thức khá phong phú. Nó đáp:
- Dạ con hiểu kịp ạ.
- Sở dĩ thầy nói xa như vậy là vì căn bản võ học và y học của chúng ta
đặt trên nền tảng âm dương, đó là phần đào tạo tri thức. Một khi tri thức đã
thành toàn, đem ra thực hành thì phải dựa trên cái tâm từ bi của Phật tổ. Đó
là một trong những mục đích của tư tưởng “tam giáo đồng lưu” mà Chúa
Phúc Chu đã khuyến khích toàn dân noi theo. Được như vậy thì khi con
dùng thuốc, con sẽ là lương y, khi con dùng võ lực, con sẽ là một hiệp sĩ
cứu khốn, phò nguy, vì dân trừ bạo. Con hiểu chứ?
Trần Lâm cúi đầu đáp:
- Dạ con hiểu và sẽ giữ đúng lời thầy dạy khi ra đời.
Ông Núi nói tiếp:
- Âm dương nhị khí khi còn rời nhau thì gọi là vô cực, khi kết hợp thì
trở thành thái cực, rồi từ thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ
tượng, tứ tượng sinh bát quái. Khí thái cực kết nạp vào nội thể ở giai đoạn