Ông lần lượt giới thiệu qua các loại rượu trong những chiếc bình. Bình thứ
hai là rượu Nanh Chồn, rượu này nấu bằng loại gạo Hỏa Mễ trồng trên
những vùng đất cao. Bình thứ ba đựng loại rượu Sen Hồng nấu băng gạo
Hồng Liên có hạt lớn, lông màu đỏ hồng. Bình thứ tư đựng loại rượu Tiên
của Chiêm Thành được nấu bằng loại lúa Tiên thượng hạng chỉ để cho
những bậc vua chúa Chiêm dùng. Mỗi thứ rượu, ông lão lại dùng một loại
chén riêng để uống. Trần Lâm vừa thưởng thức những chung rượu hảo
hạng vừa được nghe phân tích về nguồn gốc và tính chất của từng loại nên
lòng cảm khoái vô cùng. Chàng ôm quyền lễ phép nói:
- Cháu vô cùng cảm kích trước sự ưu ái của Trần lão công. Thật là một
cuộc rượu để đời, cháu xin tạc dạ.
- Trần hiệp sĩ tuổi trẻ, khí phái bất phàm, tráng chí rộng lớn. Những chung
rượu này đã tìm đúng người thưởng thức nó. Thật là tửu phùng tri kỷ.
- Cháu chỉ vì thương bá tánh lầm than nên trót buông lời cao ngạo làm bẩn
tai bậc ẩn sĩ như cụ đây.
Trần lão cười ha ha nói:
- Những lời nói đầy khí phách như thế sao có thể làm bẩn tai người được
chứ? Lão đêm đêm cắm thuyền trên bến My Lăng là có ý chờ gặp người
đại chí, biết yêu thương bá tánh mà gởi chút tâm ý của mình. Nay gặp Trần
hiệp sĩ thì đã thỏa lòng chờ đợi bao nhiêu năm rồi.
Trần Lâm vội hỏi:
- Cháu và cụ chỉ là bèo nước gặp nhau, uống vài chung rượu, nói vài câu
sáo ngữ, làm sao cụ biết được cháu có đủ tư cách để gửi thác tâm sự của
mình?
Trần lão nghiêm trang nói:
- Có đôi khi chỉ một lời nói cũng đủ bày tỏ cả tấm lòng. Bằng vào vài câu
hỏi lúc mới gặp nhau tôi đã biết Trần hiệp sĩ là người tài cao, chí cả. Không
thể nào nhầm lẫn được.
- Đa tạ sự ưu ái của Trần lão công. Chỉ e cháu sức mọn tài hèn, không thể
đảm đương điều ủy thác.
- Không hề gì. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Chúng ta cứ hết lòng
mưu sự, việc thành bại hãy trông vào mệnh trời có ứng hợp hay không.