- Nếu cụ đã tin, cháu xin hết lòng. Xin cho biết cụ muốn gởi gắm điều gì?
Ông lão nhìn vào mắt Trần Lâm hỏi:
- Trần hiệp sĩ hãy nói thử xem hiện tình đất nước mình lúc này ra sao?
- Cụ đã hỏi, cháu xin mạn luận về Thiên trước, sau đó nói đến Địa và Nhân.
Trần lão gật đầu tán thành rồi chăm chú lắng nghe. Trần Lâm bèn đem
những nhận xét về thiên văn đã trao đổi cùng sư phụ mình nói lại cho ông
nghe. Cuối cùng chàng nói:
- Đó là những gì trời cao nói với chúng ta. Cháu thấy những điều này thật
ứng hợp với những lời sấm ký đang lan truyền rộng rãi trong dân gian ngày
nay. E rằng đất nước sẽ không thoát được một trận lửa binh thảm khốc.
Trần lão rót đầy hai chung rượu.
- Uống chung này cho chữ Thiên. Còn về chữ Địa thì thế nào?
Trần Lâm uống cạn chung rượu đáp:
- Một dải giang san nay đã bị phân đôi, đó là điều thất bại lớn nhất và đau
đớn nhất của con dân Việt tộc. Tuy mấy đời Chúa Nguyễn mở mang miền
Nam đến cuối mũi, mút chân trời nhưng cũng không đủ để bù đắp cho điều
mất mát ấy. Huống chi vùng đất mới mở mang hãy còn hoang sơ mà hiện
nay phủ Chúa lại bỏ bê, không có kế hoạch khai thác nên có mà cũng gần
như là không.
Trần lão lại rót một chung rượu khác đẩy về phía Trần Lâm nói:
- Uống chung này cho chữ Địa. Còn chữ Nhân thì sao?
Trần Lâm uống cạn chung rượu rồi ôn tồn nói:
- Đạo trời tuy mờ mịt nhưng còn có các thiên tượng để con người phán
đoán. Đất đai là vật thực, sự lớn nhỏ, mất còn... hiện hữu rõ ràng chúng ta
có thể nhận định, chứ lòng người thăm thẳm khôn dò. Cháu tuổi còn trẻ,
chưa lịch lãm đường đời, nói đến chữ Nhân e rằng chỉ phơn phớt ngoài da,
không nhìn được thấu vào trong. Chữ Nhân cháu xin được rửa tai nghe lời
cao luận của cụ vậy.
Trần lão cười ha hả nói:
- Khéo lắm, khéo lắm! Nói đến chữ Nhân của một quốc gia, một thời đại là
nói đến tấm lòng của trăm họ đối với vua với chúa, hay nói đúng hơn là với
người đang nắm quyền hành cai trị đất nước. Trong vòng hai mươi năm