Trần Lâm có chút ngạc nhiên hỏi:
- Quê ngoại H’Linh ở mãi Đàng Ngoài à?
- Nghe mẹ nói ở tận miền Thanh Hóa. Hồi đó nạn đói kéo dài làm chết biết
bao nhiêu người, kể cả bà ngoại của H’Linh. Do đó cả làng của ngoại đều
bỏ nhà đi tha phương cầu thực. Ông ngoại vốn là nghệ sĩ, mẹ lại hát rất hay
nên đưa nhau vào Nam hát rong độ nhật. Sau đó, ông ngoại mắc bệnh qua
đời, mẹ phải lang thang ca hát một mình. Một ngày kia, cha có việc thay
ông nội xuống phủ Chúa ở Phú Xuân và ghé thăm Triêu Dương Các bên bờ
sông Hương. Tình cờ nghe được mẹ ngâm bài thơ này nên xúc động can
trường giống như Lâm huynh bây giờ vậy. Cha tìm gặp mẹ, họ quen nhau
rồi yêu nhau. Cha đem mẹ về xin ông nội cho phép lấy nhau nhưng ông nội
không chấp thuận. Ông nói người Kinh với người Thượng khác nhau gì gì
đó. Cha nhất định không nghe, nói rằng nếu ông nội không cho thì cha sẽ
bỏ nhà, bỏ bản đi theo mẹ. Ông nội vì có một mình cha là con trai nên cuối
cùng đành đồng ý. Thế là họ cưới nhau, cho nên mới có H’Linh đây.
Nói xong nàng cất cười tiếng trong trẻo, vô tư. Trần Lâm thở dài:
- Tình yêu của cha mẹ H’Linh thật đáng khâm phục. Huynh hâm mộ họ
lắm.
- Mẹ nói, cuộc đời, nếu gặp được một người để yêu thương và có thể chết
vì người ấy thì thật là hạnh phúc. Mẹ và cha H’Linh đang ở trong niềm
hạnh phúc ấy. À, mà quê của Lâm huynh ở đâu?
Trần Lâm nghe hỏi đến quê quán của mình thì lòng chợt dâng lên một niềm
cảm xúc nao nao khó tả. Chàng đáp:
- Quê nội và ngoại của huynh cũng ở ngoài miền Bắc xa xôi.
H’Linh tròn xoe đôi mắt:
- Thế à? Kể cho H’Linh nghe về quê của Lâm huynh đi.
Trần Lâm thở dài một tiếng rồi nói:
- Chuyện dài lắm, cho huynh hẹn lại dịp khác vậy. Bây giờ chúng ta phải
trở về vì trời cũng sắp tối rồi. Chúng ta đi thôi.
Cả hai lên ngựa trở về bản. Đêm đó H’Phon cùng mọi người trong bản mở
tiệc tiễn hành. Trần Lâm để ý thấy A Nun hôm nay thật lạ lùng, hắn im lặng