Rồi ông gọi sang nhà bên:
- Lan à, pha bình trà mới mời ông Biện nghe con.
Có tiếng đáp vọng lại:
- Dạ, thưa cha!
Nguyễn Nhạc nói:
- Cũng có chút chuyện muốn nhờ thầy phân tích xem sao.
- Là chuyện gì?
- Cũng là chuyện thời sự nóng bỏng hiện nay. Tôi muốn được nghe thầy
phân tích xem tình hình sắp tới sẽ thế nào. Hiện giờ, mọi sinh hoạt xã hội
đều rất tồi tệ. Dạo này công việc buôn bán khó khăn và trì trệ quá. Hàng
hóa ế, giá cả mọi thứ thì cứ tăng vọt từng ngày. Lại thêm cái nạn triều đình
tăng thuế nữa. Tình hình này nếu không có cách gỡ, chắc việc kinh doanh
của tôi bị phá sản quá. Thầy cho tôi xin vài nhận định cũng như ý kiến xem
sao.
Giáo Hiến thở dài nói:
- Muốn hiểu tường tận những nguyên nhân đưa đến tình trạng tồi tệ hiện
nay, chúng ta phải lùi lại xa hơn một chút, mở rộng hơn tầm quan sát mới
có thể thấy rõ được bối cảnh chung của lịch sử vương triều Nguyễn trong
thời gian vừa qua.
Nguyễn Nhạc và đám học trò ai nấy đều sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn rồi
chăm chú lắng nghe. Nguyễn Nhạc nghe mấy chữ “vương triều Nguyễn”
thì lấy làm lạ nên hỏi chen vào:
- Thầy vừa nói là vương triều Nguyễn à?
Giáo Hiến gật đầu đáp:
- Đúng vậy. Là vương triều Nguyễn của Đàng Trong từ ngày chúa Phúc
Khoát xưng vương. Do đâu mà có điều này thì chúng ta phải đi sâu vào
từng chi tiết nhỏ. Trước tiên là lời sấm “Đến tám đời thì về Trung Đô”
không biết từ đâu đã lan truyền trong dân chúng. Sau đó lại thêm tin đồn ở
một vùng núi phía nam có một vị đạo sĩ hơn tám mươi tuổi đã căn cứ vào
thuyết “thượng ngươn, hạ ngươn” mà quả quyết rằng: “Chỉ có đến tám đời
chúa thôi, không hơn. Cho đến khi núi biến thành đồng, cửa biển bị lấp, sao
chổi xuất hiện thì vương quốc sẽ chuyền tay người khác”. Những lời đồn