nào. Nước mắt là biểu hiện của đau khổ, nhưng khi sự đau khổ lên đến tột
cùng thì nước mắt không tuôn ra được, thay vào đó là sự im lặng. Sự im
lặng của trầm thống, tan nát và chết chóc.
Đỗ thị cùng chồng và đứa con trai sắm sửa đầy đủ đồ tế lễ mang ra mộ. Họ
dựng một mái chòi trên mộ để che mưa nắng. Trần Lâm quì trước mộ suốt
ba ngày để những nỗi hối hận, thương đau, tội lỗi mặc sức dày vò trong
tim. Mặc cho gia đình Đỗ thị khuyên can thế nào chàng cũng không ăn,
không uống. Cũng may ngày thứ ba trời bỗng đổ mưa như trút, nếu không
chắc chàng đã chết khát vì cái nắng như thiêu đốt của miền Hóa Châu. Sớm
ngày thứ tư, chàng lạy mộ cha lần cuối rồi theo vợ chồng Đỗ thị về nhà.
Trao thêm cho họ một số bạc, chàng nói:
- Nhờ chú thím tìm người xây lại nấm mồ cha cháu cho khang trang và thay
cháu tiếp tục hương khói giùm. Hiện cháu đang có việc rất quan trọng cần
phải lo liệu. Cháu sẽ trở lại thăm chú thím một ngày gần nhất.
Vợ chồng Đỗ thị cùng nói:
- Công tử cứ đi lo công việc. Việc ở đây chúng tôi sẽ thay mặt công tử chu
toàn. Nhưng công tử cũng phải nghỉ ngơi một chút để lấy lại sức đã chứ.
- Cháu không sao, chỉ xin được dùng với gia đình chú thím một bữa cơm
thân mật là đủ rồi.
Đỗ thị mau mắn:
- Vâng, vâng. Tôi sẽ đi lo cơm nước ngay. Công tử tắm rửa nghỉ ngơi cho
lại sức.
Sực nhớ đến cuốn sách mà mẹ mình để lại năm xưa, chàng nói với vợ
chồng chủ nhà:
- Mẹ cháu có để lại một quyển sách, xin phép cho cháu lên xem thử còn
không nhé?
- Công tử cứ tự nhiên.
Chàng lại gần nơi bàn thờ, nhún chân nhảy vọt lên cao, đưa tay vào trính
nhà lấy ra một gói giấy xong đáp xuống đất. Vợ chồng chủ nhà và anh con
trai nhìn thấy khinh công của Trần Lâm thì đều há hốc mồm kinh ngạc.
Chàng mở gói giấy ra, cuốn “Tiểu Bát quái đồ chú giải” mà ngày xưa mẹ