Én Liệng Truông Mây - Hồi 33 - Phần 2
Thành Phú Xuân sau gần chín mươi năm, kể từ ngày chúa Nguyễn Phúc
Trăn quyết định chọn làm nơi đặt phủ Chúa vào năm 1687, thành đã được
xây dựng với một quy mô lớn, xứng đáng là kinh đô của một nước.
Đất Phú Xuân bằng phẳng rộng lớn, thành Phú Xuân được xây trên một
vùng đất cao, tọa hướng Càn (tây bắc), nhìn về hướng Tốn (đông nam), có
thế dựa ngang Long Tích. Phía trước có dãy núi Ngự Bình che chắn làm
tiền án, cùng dòng Hương Giang tạo cảnh Minh Đường thủy tụ, long mạch
quy về, đúng là cuộc đất đế vương. Thành có hào sâu bao bọc chung quanh,
ở giữa là tử cấm thành dành riêng cho phủ Chúa và gia quyến hoàng tộc.
Từ ngày chúa Phúc Khoát lên ngôi vương, ông lại càng ra sức xây dựng
thêm nhiều đền đài cung điện. Bên ngoài có các dinh thự như Phủ Từ Kim
Hoa, Quang Hoa làm nơi tế lễ trời đất. Tòa Hành Lang Phủ Trạch rộng lớn
làm nơi hội họp của các quan. Ngoài ra còn có rất nhiều công trình kiến
trúc lớn và đẹp như nhà Tựu Nhạc, nhà Trung Hòa, Diêu Trì Các, Triêu
Dương Các, Thụy Vân Đình... và các trường học cho con của các quan đại
thần. Miệt thượng lưu bờ nam còn có Dương Xuân Phủ và Phủ Cam. Đối
diện bên bờ bắc là khu nhà của các công thần. Đâu đâu cảnh trí cũng tráng
lệ nguy nga, cỏ hoa tươi tốt, ngựa xe tấp nập, phố xá đông vui náo nhiệt[1].
Lần đầu bước chân đến đất kinh đô, Trần Lâm không khỏi giật mình
choáng ngợp vì sự lộng lẫy xa hoa của nó. Đâu đâu dinh thự, lâu đài cũng
to lớn, rực rỡ, dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước. Trên sông Hương
thuyền buôn bán, đò đưa khách qua lại như mắc cửi. Đúng thực là cảnh
phồn hoa đô hội!
Danh sĩ Chu Sử Tín có lần đối cảnh Hương Giang đã viết:
Xuân ỷ xuân môn, câu cừ giao ánh