“Ừ, tôi cũng nghe nói hình như ông ấy tự mình làm từ đầu đến
cuối.” Có người trả lời.
Điều đấy là sự thật. Sau khi chuyển nhà tới đây không lâu thì
nhà thơ Lee Joek-yo bắt đầu đào. Ông chỉ dùng đục và búa trong
hơn mười năm mới hoàn thành. Hình ảnh nhà thơ sử dụng đục, rồi
búa trông như một chiến sĩ cô độc. Tôi hỏi tại sao ông lại phải làm
công việc khổ cực như vậy, nhà thơ trả lời: “Sung sức quá mà, sao
nào?”
Âm huyệt đông ấm hạ mát. Nếu không tìm thấy nhà thơ trong
nhà, thì kiểu gì cũng thấy ở đây, ông thường ra đây ngủ. “Lẽ nào chỉ
dùng làm phòng ngủ, mà phải phí sức như vậy sao?”
Lúc nhà thơ N hỏi, nhà thơ Lee Joek-yo đã trả lời: “Chỉ ư? Giấc
ngủ sao lại có thể nói là chỉ chứ? Trong huyệt mộ cũng là một kiểu
phòng ngủ đấy.” Nhưng, mấy năm trước khi mất, không biết có
phải mất hứng không, tôi không thấy nhà thơ vào âm huyệt nữa.
Trước khi ông chết cửa âm huyệt luôn đóng im ỉm.
“Đặt một bức tượng sáp của nhà thơ ở trong động này thì thế nào
nhỉ!” Nhà bình luận C nói.
“Ý tưởng hay đấy. Bởi đây cũng là nơi nhà thơ từ biệt thế giới
này.”
“Nói như ngài là đúc tượng sáp theo tư thế lúc lâm chung của nhà
thơ sao?”
“Làm thế thì ích lợi gì chứ, đúc tượng sáp tư thế lúc nhà thơ
trầm tư…”
“Nhà thơ Lee Joek-yo ghét trầm tư lắm.” K nói. Đó là sự thật –
nhà thơ Lee Joek-yo rất ghét những thứ đó.