Từng có những lúc, nhà thơ nói với tôi chủ nghĩa thần bí là “đê
tiện”. Ông không tin sự giác ngộ, còn chỉ trích việc thông qua giác ngộ
có thể đạt được lý luận về cuộc sống vĩnh cửu tuyệt đối là một mớ
lý luận hoang đường. “Toàn là những lời giả dối cả. Làm gì có kiếp
sau chứ?” Ông ấy từng nói thế. Ông còn nói thần tính là sự cảm
thụ mẫn cảm thông qua trực quan của chúng ta, chứ không phải có
được do những biểu hiện hình tượng.
Từ nhận định đó có thể thấy, việc nhà thơ Lee Joek-yo ở đây để
nghênh đón sự diệt vong của mình là một câu đố. Thời gian hơn một
tháng ở bệnh viện, đa phần nhà thơ bị chìm trong cơn hôn mê sâu.
Thỉnh thoảng có lúc tỉnh lại nhưng mắt cũng không thấy gì, không
nhận ra ai, và cũng chẳng nói được gì. Từ lúc nhập viện, do bệnh viêm
võng mạc, đái tháo đường mà dường như nhà thơ đã bị mất đi sự
minh mẫn. Nghe nói có hôm, y tá vừa bước vào phòng bệnh, đã thấy
ông đang ngồi ngay ngắn trên giường. Đột nhiên nhà thơ nói rất
rõ ràng với y tá: “Đến giờ ra đi rồi… Quần áo của tôi để ở đâu?”
Đấy chính là dáng vẻ cuối cùng của nhà thơ. Khuya hôm ấy,
không ai còn trông thấy tung tích nhà thơ trong phòng bệnh nữa.
Một người mắt không nhìn thấy gì rốt cuộc có thể trốn ở đâu
chứ? Nhận được điện thoại của bệnh viện, tôi tìm khắp nhà nhà thơ,
hai hôm sau mới phát hiện thấy cửa âm huyệt mở hé một nửa. Nhà
thơ nằm ngay ngắn trên chiếu trong âm huyệt do mình tự đào,
người đã lạnh toát. Cạnh gối đặt một con thỏ bông rất nhỏ làm từ sa
tanh và lông vũ. “Đó là món quà tôi tặng cho ông nội. Ông luôn nói
tôi giống chú thỏ con.” Sau này Eun-kyo có nói với tôi thế.
Đưa Nye về nước là ý của tôi. Người mà nhà thơ Lee Joek-yo nói
là “kẻ lang thang” Nye lúc ấy đang mở một nhà hàng Hàn nhỏ ở
Irkutsk, Siberia. Ngày trước anh ta nói muốn định cư lại rồi mở
công ty điện máy, sau đó khi ra tù hình như bị truy đuổi phải rời bỏ tổ
quốc. Từ đó đến nay, đây là lần đầu về nước của anh ta.