Lúc đó, bệnh viêm võng mạc biến chứng từ tiểu đường của nhà
thơ đã trở nên rất nặng, cho nên tôi không cho là có chuyện này,
nghe xong cũng để đấy. Nhưng nay nghĩ lại, đó là lời nhà thơ tự nói
rõ tình trạng tâm lý mà bấy lâu ông ấy giấu kín. “Giây phút ấy,
hình như mắt tôi đã hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa!” Nhà thơ
Lee Jeok-yo bổ sung. Nhà thơ từ chối tất cả các liệu pháp điều trị,
chỉ lấy rượu làm thuốc chữa cho mình, có lẽ lúc đó ông ấy đã
quyết định dùng phương pháp tự hành hạ để “xử tội” chính mình.
Tôi thở dài. Trong buổi sớm quyết định vận mệnh của hai số
phận ấy, nhà thơ đã xúc động chạy ra gọi tiếng “Này!” Lúc đó chắc
chắn Seo Ji-woo hiểu được “tín hiệu” của nhà thơ chuyển đến
bằng ánh mắt. Seo Ji-woo không phải là người “ngu xuẩn”, không
thể trở thành nhà thơ. Người sai không phải Seo Ji-woo, mà là nhà
thơ. Nhà thơ Lee Jeok-yo muốn “hoàn toàn phạm tội một cách
thành công” đã thất bại rồi.
“Bây giờ tôi cũng phải đọc bút ký của ông nội.” Eun-kyo nói.
Cô ấy mặc chiếc quần bò có thêu và áo phông màu vàng, đúng
là bộ quần áo mà nhà thơ Lee Jeokyo mua cho hôm đi nhà hàng
canh khoai tây. Vẻ đẹp rạng rỡ “sáng như ánh nắng ban mai” được
nhà thơ miêu tả chính là bộ quần áo ấy.
Không phải là “muốn đọc”, mà là “phải đọc”, xem ra, cô ấy có vẻ
rất kiên quyết. Có lẽ khi đọc cô ấy cũng sẽ cảm thấy tổn thương,
nhưng tôi không có lý do từ chối yêu cầu ấy. Hơn nữa, trong bút
ký ấy còn có hai phần là thư viết cho cô ấy.
Thời gian hẹn đàm phán pháp luật đang đến gần. Nhưng tôi vẫn
chở Eun-kyo về văn phòng luật sư.
“Tai nạn của anh Seo không phải do ông nội gây ra, việc này là
chính xác. Như vậy liệu có phải công khai bút ký của ông nội không?”