thống chân thành, hào phóng, tốt bụng, và đáng tin cậy đối với các nước
láng giền”, và nhấn mạnh rằng “Trung Quốc luôn thực hiện những gì mình
tâm niệm”, đó là “Chúng tôi theo đuổi một chính sách nhằm đem lại sự hòa
hợp, an ninh và thịnh vượng đối với các nước láng giềng, nỗ lực hết sức
mình để củng cố lòng tin và sự hợp tác với các quốc gia bạn bè châu Á,
giảm căng thẳng ở những điểm nóng, cố gắng đấu tranh nhằm duy trì hòa
bình và ổn định tại châu Á”.
Mặc dù vậy, những biểu hiện mong muốn hòa bình của Trung Quốc đáng
tin cậy hơn khi được chuyển tải đồng thời qua hành động lẫn phát ngôn.
Công thức gây dựng danh tiếng là một cường quốc có trách nhiệm bao gồm
ba nhân tố:
• Coi trọng các nước láng giềng
• Có tinh thần hợp tác trong các tổ chức đa phương
• Sử dụng các mối quan hệ kinh tế để kết bạn
Những nỗ lực chứng tỏ mình là một cường quốc có trách nhiệm của
Trung Quốc đã thành công rất ấn tượng tại châu Á và ngoài khu vực. Nhiều
cuộc thăm dò dư luận quốc tế cho thấy Trung Quốc được nhìn nhận một
cách tích cực, tích cực hơn Hoa Kỳ. Nhưng cam kết hợp tác quốc tế của
Trung Quốc kéo dài được bao lâu? Liệu vai trò toàn cầu đang ngày càng gia
tăng của Trung Quốc và việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thô cần thiết
để duy trì sức mạnh kinh tế có đẩy Trung Quốc vào một cuộc cạnh tranh địa-
chính trị với Hoa Kỳ? Nếu bất chấp những nỗ lực chứng tỏ thiện chí này, các
quốc gia khác vẫn coi Trung Quốc như kẻ thù, Trung Quốc có thể hành xử
một cách hòa bình hay sẽ đáp trả một cách tương tự? Và nội bộ Trung Quốc
có đủ “vốn chính trị” để tiếp tục hành xử một cách có trách nhiệm trong
chính sách đối ngoại hay nó, như học giả Bùi Mẫn Hân dự đoán, lại “luôn
luôn có xu hướng hy sinh các mục tiêu đối ngoại dài hạn vì những thành
công chính trị [đối nội] trước mắt?”