và cùng phát triển quần đảo Trường Sa. Trong các cuộc đàm phán không
chính thức do Indonesia tổ chức, Trung Quốc đồng ý với các bên khác là
giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tránh hành động đơn
phương. Nhưng như một vị đại sứ Trung Quốc đã nghỉ hưu nói với tôi năm
1995: “Sẽ không có ai tin chúng tôi cho đến khi nào chúng tôi có những đề
xuất cụ thể.” Trung Quốc từ chối đàm phán vấn đề này với cả ASEAN mà
đòi bàn song phương, cách mà theo đó Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn.
Sau khi Trung Quốc chiếm Bãi Vành Khăn, bộ trưởng các nước ASEAN
đều bày tỏ bất bình về những hành động đơn phương của Trung Quốc và chủ
trương thù địch của Trung Quốc đối với các nước láng giềng mà những hành
động này ám chỉ. Thêm vào đó, Hoa Kỳ cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề
này - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra những tuyên bố công khai và đặt câu
hỏi tại Diễn đàn Khu vực ARF, thách thức sự phản đối của Trung Quốc đối
với việc bàn thảo vấn đề trong một bối cảnh đa phương.
Trung Quốc đã nhận được thông điệp và thay đổi thái độ vào cuối những
năm 1990. Mặc dù Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền chính thức đối với
Biển Đông, quốc gia này đã chịu đàm phán với ASEAN về một Bộ quy tắc
ứng xử (COC) cho tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền. Bộ quy tắc chưa
làm rõ những hành động nào bị cấm như những gì các nước ASEAN mong
muốn. Mặc dù vậy, COC quy định được rằng các bên có tuyên bố chủ quyền
sẽ “kiềm chế những hành động có thể làm phức tạp hay gia tăng tranh chấp
và làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, trong đó có quy định không
được chiếm đóng những hòn đảo hiện tại chưa bị bên nào chiếm đóng”. Biển
Đông lặng sóng từ ngày đó. Trung Quốc cũng hàn gắn tranh chấp với Việt
Nam và Philippines. Năm 2005 có một bước đột phá: khi Việt Nam phản đối
kế hoạch cùng thăm dò địa chất ở quần đảo Trường Sa của các công ty dầu
khí Trung Quốc và Philippines, hai nước này đơn giản là đã mời Việt Nam
cùng tham gia. Quan hệ Trung Quốc với Việt Nam cải thiện đáng kể đến
mức hải quân hai nước cùng nhau tuần tra các khu vực đánh cá ở Vịnh Bắc
Bộ.