Giới lãnh đạo bất an
Nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc có thể khiến lãnh đạo của họ
trong mắt chúng ta như những người khổng lồ “vai năm tấc rộng, thân mười
thước cao”. Nhưng hình ảnh trong chính mắt họ lại hoàn toàn khác, vẫn còn
bị ám ảnh bởi bóng ma Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, những nhà
lãnh đạo tiền nhiệm đáng kính của họ, giới lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc
cảm thấy mình như những gã lùn, đang gắng gượng trong tuyệt vọng để lãnh
đạo một xã hội rối ren do những thay đổi về kinh tế gây ra.
Trung Quốc đã mạnh mẽ hơn về kinh tế và an toàn hơn trên trường quốc
tế so với thế kỷ 19, nhưng oái oăm thay, những nhà lãnh đạo cộng sản lại
cảm thấy vô cùng bất an ở trong nước. Trung Quốc có thể là một siêu cường
đang trỗi dậy, nhưng là một siêu cường mong manh. Và chính sự mong
manh của nội chính Trung Quốc, chứ không phải sức mạnh kinh tế hay quân
sự, là mối hiểm họa lớn nhất với chúng ta. Nếu không hiểu được những nỗi
sợ hãi đang kích động giới lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt
với khả năng xung đột với nước này.
Giống như mọi chính trị gia, điều làm các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan
tâm đầu tiên và trước nhất chính là duy trì quyền lực của họ. Họ không phải
bận tâm về bầu cử, nhưng họ có những rủi ro chính trị khác mà những nhà
lãnh đạo dân chủ không phải đối mặt. Một đối thủ khác có thể cố gắng
chiếm chỗ của họ. Một phong trào biểu tình quần chúng có thể nổ ra và lật
đổ họ. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc mất sự ủng hộ của quân đội, một
phong trào đối lập có thể đánh bại họ. Và không giống như chế độ dân chủ,
cái giá cho thất bại chính trị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể rất
thảm khốc. Thất bại chính trị có thể khiến họ và gia đình không còn đường
sống, thậm chí không giữ được cả tính mạng.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi rằng thời gian họ
cầm quyền đang bị tính từng ngày. Họ run sợ khi theo dõi các chính quyền