2
Kỳ tích kinh tế Trung Quốc
Khi tôi bắt đầu học tiếng Trung hồi còn là sinh viên cách đây khoảng 40
năm, Trung Quốc vẫn là vùng đất xa lắc tựa mặt trăng vậy. Tôi không thể
hình dung đời mình lại có thể đến được một nơi xa xôi như vậy. Trung Quốc
huyền bí và cách biệt hơn nhiều so với Bắc Hàn ngày nay. Nước này chưa có
mối liên hệ ngoại giao, xã hội hay kinh tế nào với Hoa Kỳ, và hầu như
không có liên hệ gì với các nước ngoài khối Cộng sản.
Nhưng thật may mắn cho tôi, năm 1971, tôi là một trong số những người
Mỹ đầu tiên tới thăm CHND Trung Hoa. Nhóm chúng tôi gồm mười lăm
sinh viên mới tốt nghiệp được đi tham quan các thành phố và vùng nông
thôn của Trung Quốc trong một tháng với tư cách là khách mời của chính
phủ. Tôi thấy đây là một quốc gia chuyên chính nghèo nàn, đóng cửa với thế
giới bên ngoài và vẫn còn đang phải vật lộn với Cách mạng Văn hóa, một
chiến dịch ý thức hệ do Mao Trạch Đông khởi xướng năm 1966 để vực dậy
đất nước và xốc lại tinh thần cách mạng.
Mao đóng cửa các trường học, kêu gọi sinh viên phải trở thành “hồng vệ
binh” và làm cách mạng chống lại giáo viên, hiệu trưởng cùng các nhóm
người có chuyên môn khác mà họ coi là “tư sản”. Phong trào này đã làm đảo
lộn xã hội. Trong bệnh viện, bác sĩ bị ép phải đi cọ nhà vệ sinh, còn các hộ
lý đi trị bệnh. Hồng vệ binh tấn công cả những quan chức chính phủ và đảng
viên, những người “đi theo tư bản chủ nghĩa”, và đánh lộn lẫn nhau bằng vũ
khí ăn cắp được của quân đội. Đất nước bị đẩy đến bờ vực hỗn loạn hoàn
toàn cho đến khi Quân Giải phóng Nhân dân thiết lập lại trật tự vào năm
1969.