Từ ngữ cản đường
Tuy nhiên, sự cứng nhắc về chủ thuyết và tính đứng đắn chính trị đã cản
trở lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra các đề nghị để người
dân Đài Loan thấy thực sự hấp dẫn. Truyền thông và công luận Trung Quốc
không quan tâm nhiều đến tính chính xác của ngôn từ trong các tuyên bố của
chính phủ về Đài Loan, nhưng các quan chức chắc chắn quan tâm. Đấu tranh
chính trị cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, giống như ở Vatican,
thường dẫn đến kết quả chiến thắng của phe chính thống đối với sự thay đổi
các vấn đề được coi là nguyên tắc. Đặng Tiểu Bình thường than vãn một
thực tế là trong các cuộc tranh luận nội bộ, “tả” luôn áp đảo “hữu”. Mỗi
quan chức đều biết việc tỉa gọt những nguyên tắc nền tảng được các vị khai
quốc công thần đặt ra sẽ an toàn hơn là đưa ra một ý tưởng sáng tạo. Khi
Đảng Cộng sản Trung Quốc trung thành với một quan điểm về Đài Loan,
các chính trị gia Trung Quốc ngần ngại thay đổi hoặc từ bỏ vì sợ bị chỉ trích
là yếu đuối. Nguy cơ được nhân lên bởi vì không thể dự đoán được phía Đài
Loan sẽ phản ứng ra sao với bất kỳ một đề nghị mới nào. Nếu Đài Loan, bị
thúc ép bởi chính trị trong nước, từ chối đề nghị và tiếp tục đẩy mạnh tiến
trình độc lập về pháp lý, các chính trị gia Trung Quốc sẽ trông giống như
những kẻ ngốc nghếch. Thậm chí nếu Đài Loan phản ứng tích cực, bất kỳ
thỏa thuận nào cũng đều bị giới chóp bu Trung Quốc nghi ngờ bởi vì nó
mang ngầm ý rằng phía họ hẳn đã phải nhân nhượng quá nhiều để đạt được
điều đó.
Một ví dụ về sự cứng nhắc này là đề xuất “một quốc gia, hai chế độ” của
Đặng Tiểu Bình vào năm 1979, mô tả các nguyên tắc trong nước mà Đài
Loan sẽ được hưởng sau khi thống nhất với Đại lục. Chính phủ Trung Quốc
áp dụng cùng một công thức cho Hồng Kông trong quá trình đưa thuộc địa
này của Anh về với Trung Quốc năm 1997, mặc dù chế độ tự chủ của Hồng
Kông hạn chế hơn nhiều so với những gì đã được đề nghị cho Đài Loan lúc