gắng có được một sự đồng thuận trong giới lãnh đạo chóp bu để đưa ra một
công thức phần nào linh hoạt hơn cho vấn đề Đài Loan. Định nghĩa “Trung
Quốc” trong nguyên tắc “một Trung Quốc” được thay đổi để làm cho Đài
Loan ít phản đối. Trung Quốc không còn được định nghĩa là Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa với Đài Loan bị hạ xuống vị thế phụ thuộc của một tỉnh nằm
trong nó. Câu thần chú mới là: “Đại lục và Đài Loan là hai phần của một
nước Trung Quốc.” Công thức này nhằm cho thấy thống nhất đất nước được
dựa trên sự bình đẳng và “không phải là hành động ai ăn thịt ai”. Điều này
mở ra triển vọng về một sự dàn xếp chia sẻ chủ quyền giữa hai bên.
Bắc Kinh cũng đề ra một phương án thậm chí khả thi hơn. Đài Loan có
thể chấp nhận “đồng thuận 1992”, kết quả mơ hồ của cuộc họp đầu tiên giữa
các nhà đàm phán xuyên eo biển. Mỗi bên có thể nhắc lại phiên bản riêng
của mình về cách hiểu thế nào là “một Trung Quốc” và bỏ qua cách hiểu của
bên kia. Hoặc cả hai bên có thể chỉ khẳng định tiếp tục đi theo “đồng thuận
1992” mà không định nghĩa cụ thể nội hàm là gì. Richard Bush, một chuyên
gia Hoa Kỳ về quan hệ xuyên eo biển Đài Loan gọi điều này là một “cái cớ
có tính biểu tượng để biện hộ cho việc nối lại đàm phán”. Tuy nhiên, Tổng
thống Đài Loan Trần Thủy Biển không chấp nhận “đồng thuận 1992” và
không sẵn lòng cử các nhà đàm phán sang Bắc Kinh.
Quả thật, cả hai công thức mới này đều không được sử dụng rộng rãi
trong nước - tại Đại lục, người ta vẫn thường gọi Đài Loan là một tỉnh và
kiên quyết chính sách “một Trung Quốc”. (Năm 2005, Hồ Cẩm Đào lần nữa
cố nghĩ ra một cách gọi khác của chính sách “một Trung Quốc” mà ông nghĩ
Đài Loan có thể chấp nhận, đó là “hai bờ biển, một Trung Quốc”. Nhưng
Trần Thủy Biển vẫn bác bỏ và Hồ Cẩm Đào cũng thôi nói chuyện đó.)
Kenneth Lieberthal, học giả Hoa Kỳ danh tiếng về Trung Quốc, cựu nhân
viên tại Hội đồng An ninh Quốc gia từng kiến nghị hai bên đàm phán một
“thỏa thuận tạm thời” để có thể ổn định hiện trạng trong một khoảng thời
gian nhất định nào đó, chẳng hạn là 50 năm. Một cố vấn chính sách của Bắc
Kinh thừa nhận rằng mặc dù ý tưởng đó đáng khen ngợi nhưng các nhà lãnh
đạo cao cấp Trung Quốc không bao giờ có thể công khai đồng ý nó bởi dư