Một nhân vật am hiểu trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết
Chủ tịch Giang đã thức rất khuya vào đêm đại sứ quán tại Belgrade bị tấn
công để viết một bản ghi nhớ dài, không phải về cách thức đáp trả vụ ném
bom, mà về việc làm thế nào để đập tan Pháp Luân Công. Trong một động
thái mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác thừa nhận là hơi quá đà, Chủ tịch
Giang đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc, bỏ tù những người
cầm đầu và bắt tất cả những ai luyện tập Pháp Luân Công tại công viên hay
những nơi công cộng khác.
Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc, đến cuối thập niên
1990 có cả những báo thị trường và những báo là cơ quan phát ngôn của
Đảng, đã tường thuật rộng rãi và xúc động về vụ ném bom ở Belgrade. Các
phân tích Trung Quốc về sự kiện này nhấn mạnh rằng truyền thông thương
mại đã làm trầm trọng hóa cuộc khủng hoảng. “Trong lúc chính phủ cố gắng
định hướng dư luận thì tính thị trường hóa của truyền thông đại chúng và
việc sử dụng Internet ngày càng tăng làm cho chính phủ khó ngăn các báo lá
cải đưa tin riêng của họ. Chính những tiếng nói không chính thống này đã
gia tăng sức ép lên chính phủ Trung Quốc khi giải quyết cuộc khủng hoảng
này.”
Một tờ báo đã so sánh vụ ném bom với “tội phạm chiến tranh phát xít”.
Trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo chỉ trích vụ tấn công như phiên bản
hiện đại cuộc xâm lược Trung Hoa của chủ nghĩa đế quốc thời Nghĩa Hòa
Đoàn. Ngay cả sau khi Nhân dân Nhật báo dịu giọng, tờ Thanh niên Bắc
Kinh Nhật báo vốn có lượng độc giả lớn vẫn giận dữ với Hoa Kỳ. Những
dòng tít giật gân đã khuấy động tình cảm của bạn đọc trẻ tuổi, chẳng hạn:
“Sự phản đối mạnh mẽ nhất, tiếng nói lớn nhất, hành động tức giận nhất,
đêm đen tối nhất, cuộc tấn công man rợ nhất, nỗi đau sâu sắc nhất và sự ủng
hộ lớn lao nhất...” (Ban Tuyên truyền sau đó đã trao giải đặc biệt cho Thanh
niên Bắc Kinh Nhật báo.)
Tờ Phương Nam Cuối tuần, tờ báo Quảng Đông của giới doanh nhân
duyên hải là tiếng nói duy nhất còn giữ được đủ bình tĩnh để dám đặt lại vấn
đề - liệu rằng chính quyền Hoa Kỳ có chủ ý ném bom đại sứ quán Trung