Xử lý khủng hoảng
Các cuộc khủng hoảng trong thập niên 1990 đã dạy cho các nhà lãnh đạo
Trung Quốc rằng việc khuấy động tinh thần dân tộc trong dân chúng Trung
Quốc sẽ phải trả giá. Khi lòng tự hào dân tộc của người dân Trung Quốc bị
tổn thương bởi một sự kiện quốc tế không được lường trước, phản ứng trong
nước của họ có thể trở thành cơn lốc xoáy vượt ngoài tầm kiểm soát và kích
động bạo lực trong và ngoài nước. Và bởi vì Trung Quốc không thể dựa vào
Hoa Kỳ, vốn cũng bị giới hạn bởi chính trị nội bộ, để chia sẻ gánh nặng duy
trì mối quan hệ song phương tốt đẹp, Trung Quốc sẽ phải tự làm tốt hơn
phần việc của mình. Bắt đầu từ 1999, lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng hạ
nhiệt dân chúng và học cách đối phó với khủng hoảng một cách có lý trí
hơn. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra quy tắc mới đối với quan hệ
quốc tế, đó là “lạnh lùng quan sát, bình tĩnh đối phó”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra ngay sau sự kiện Thiên An Môn
rằng họ có vấn đề trong cách xử lý khủng hoảng và lặng lẽ học cách điều
chỉnh. Đại tá Không quân Hồ Bình đã xuất bản một cuốn sách năm 1993
mang tên International Conflict Analysis and Crisis Management (Phân tích
xung đột quốc tế và xử lý khủng hoảng), trong đó đã tổng kết nghiên cứu của
Hoa Kỳ về các phương thức xử lý thành công các loại khủng hoảng nội bộ
và quốc tế. Cuốn sách đã đưa ra các việc nên và không nên làm, chẳng hạn
“bảo vệ những mục tiêu giới hạn, hy sinh các mục tiêu không giới hạn”,
“tránh tối đa những tình thế bế tắc mang nặng ý thức hệ” và “dự liệu những
kết cục không mong muốn khi hành động”. Sau khủng hoảng eo biển Đài
Loan 1995-1996, Quỹ Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Trung Quốc,
một cơ quan nghiên cứu có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới Quân Giải phóng
Nhân dân Trung Quốc, đã chủ trì một dự án về quản lý khủng hoảng, giới
hạn trong những khủng hoảng quốc tế tương tự như khủng hoảng tên lửa tại
Cuba. Tuy nhiên, sau sự kiện ném bom ở Belgrade, chính phủ Trung Quốc