Một tai nạn mới, một khủng hoảng mới
Quyết tâm phản ứng bình tĩnh trước khủng hoảng của các nhà lãnh đạo
Trung Quốc đã được thử thách khi một tai nạn không may khác đẩy Trung
Quốc và Hoa Kỳ vào thế đối đầu một mất một còn thêm lần nữa. Sáng ngày
1 tháng Tư năm 2001, một chiếc máy bay trinh sát cánh quạt EP-3 ì ạch của
quân đội Hoa Kỳ chở 24 lính thực hiện nhiệm vụ trinh sát thường kỳ trên
các hải phận quốc tế tại Biển Đông cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 110
km về phía đông nam. Một máy bay chiến đấu F-8II của lực lượng hải
không quân Trung Quốc, thay vì thực hiện chặn ở khoảng cách an toàn - một
hành động bình thường của các quân đội khi gặp nhau trong không phận
quốc tế - máy bay này đã đâm thẳng vào máy bay do thám của Hoa Kỳ và
rơi xuống biển khiến phi công Trung Quốc tử nạn. Máy bay của Hoa Kỳ bị
hư hỏng nghiêm trọng nhưng đã kịp phát đi tín hiệu cấp cứu và hạ cánh
xuống tàu sân bay của hải quân Trung Quốc. Tại đây, phi hành đoàn đã bị
bắt giam trong suốt 11 ngày.
Theo lời của bốn cố vấn chính trị tham gia vào các cuộc đàm phán trong
suốt cuộc khủng hoảng này, hành động tức thời của Trung Quốc một mặt
quá chậm (do họ mất thời gian để liên lạc với Giang Trạch Dân, lúc đó đang
đi công tác ngoài Bắc Kinh), vừa bị chi phối quá nhiều bởi quân đội (bởi lẽ
vụ việc liên quan đến máy bay quân đội). Thông tin về vụ việc đều xuất phát
từ căn cứ hải không quân tại Hải Nam, và lợi ích của họ nằm ở việc bảo vệ
các phi công của mình khỏi bị chỉ trích. Phía quân đội Trung Quốc nói rất
mập mờ, giống như trong vụ đánh bom ở Belgrade, rằng quân đội Hoa Kỳ
đã gây ra sự việc này. Chính phủ chấp nhận thông tin của quân đội đưa ra
như là thông tin chính thức về toàn bộ sự việc, và tôn vinh phi công Vương
Vĩ là một liệt sĩ. Phát ngôn đầu tiên của Trung Quốc, được đưa ra 13 giờ sau
vụ đâm máy bay, nói rằng máy bay EP-3 của Hoa Kỳ đã “bất ngờ đảo chiều”
về phía máy bay quân sự của Trung Quốc và đâm vào nó. Nước này cũng