Phòng thủ tên lửa quốc gia và quan hệ hạt
nhân
Cách tiếp cận kiềm chế của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ đã được thể hiện
trong cách nước này giải quyết vấn đề phòng thủ tên lửa quốc gia của Hoa
Kỳ (NMD). Từ năm 1998, chính quyền Clinton đã cân nhắc triển khai hệ
thống phòng thủ tên lửa quốc gia nhằm bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ khỏi một
cuộc tấn công hạt nhân từ Bắc Triều Tiên hoặc bất kỳ vụ phóng tên lửa vô
tình nào từ các nước khác. Hoa Kỳ bắt đầu từ quy mô nhỏ với việc triển khai
máy bay đánh chặn tại Alaska để ngăn chặn nguy cơ tên lửa từ Bắc Triều
Tiên và các nước châu Á khác chưa đề cập rõ tên. Tuy nhiên, các cuộc thử
nghiệm công nghệ NMD lúc đầu không đạt được kết quả như mong muốn.
Một trong những tiêu chí để đưa ra quyết định xây dựng NMD được tổng
thống công bố là phản ứng của các nước khác đối với hệ thống NMD sẽ ảnh
hưởng đến an ninh của Hoa Kỳ ra sao. Các quan chức chính phủ bắt đầu
tham vấn Nga, phản ứng của nước này được xem là quan trọng nhất vì
Clinton không muốn hệ thống NMD làm xói mòn Hiệp ước Chống tên lửa
đạn đạo giữa Hoa Kỳ và Xô viết (ABM). Nga sở hữu hàng ngàn tên lửa đầu
đạn hạt nhân, sẽ có khả năng tấn công đáp trả lại một cuộc tấn công trong
trường hợp Hoa Kỳ xây dựng được hệ thống phòng thủ. Quan hệ chiến lược
sẽ được duy trì ổn định. Không nước nào muốn tấn công trước bởi lẽ nước
kia chắc chắn có khả năng đánh trả.
“Còn Trung Quốc thì sao?” Tôi luôn đặt câu hỏi như vậy với các đồng
nghiệp làm việc trong chính phủ. “Hoa Kỳ có nên trao đổi để biết quan điểm
của Trung Quốc về vấn đề này như thế nào?” Do quy mô hạt nhân chiến
lược của Trung Quốc còn quá nhỏ (khoảng 20 tên lửa đạn đạo tầm xa), các
nhà chiến lược Trung Quốc chắc hẳn e sợ rằng chỉ cần một hệ thống phòng
ngự tên lửa quốc gia quy mô nhỏ nhất cũng khiến họ không đủ khả năng tấn