Gái Quê, xuất bản năm 1936, là quyển sách đầu tiên đánh dấu cuộc thay
đổi về quan niệm thơ của Hàn Mạc Tử.
Cũng như Bâng Khuâng của Phan Văn Dật, Gái Quê của Hàn Mạc Tử
như khoảng vườn trùm trong một bầu sương lam nhạt, chứa một nhạc điệu
mơ màng mà lối ngũ ngôn cổ phong còn lưu chưa dứt thoát.
Nếu ta đem so sánh những bài như Tiễn Đưa hay Bi Xuân Nương ở Bâng
Khuâng với những bài như Tình quê hoặc Lòng quê ở Gái Quê chẳng hạn,
ta sẽ thấy lời thơ của hai bài cùng ngân lên theo một nhịp, chữ thơ rất luyện,
rất nhẹ nhàng, và lột được cả tinh thần Đông phương, vì toàn là những chữ
kiểu.
Đọc những bài ấy, người ta có cảm giác sống một đời xưa cổ an nhàn,
một đời mà theo lời của ông Hoài Thanh “Trời đất còn mênh mông hơn bây
giờ, mà mỗi lần người ta đi xa về là hàng xóm leo tường xem mặt và đốt
đuốc nói chuyện thâu đêm.”
Đây là một thí dụ: bài Tình quê, bài thơ chỉ có độc một vần:
Trước sân anh thơ thẩn,
Đăm đăm trông nhạn về.
Mây chiều còn phiêu bạt.
Lang thang trên đồi quê;
Gió chiều quên ngừng lại;
Dòng nước luôn trôi đi...
Ngàn lau không tiếng nói;
Lòng anh dường đê mê.
Cách nhau ngàn vạn dặm,
Nhớ chi đến trăng thề?
Dầu ai không mong đợi,
Dầu ai không lóng nghe
Tiếng buồn trong sương đục,
Tiếng hờn trong lũy tre,
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê.
Dầu ai bên bờ liễu,