Ôi trăng thu
Ôi trăng thu
Bóng nhạn tím sương đã mịt mù
Mối sầu tư
Bồng con giọt lụy năm canh nhỏ
Cơn mưa gió
Tê tái lòng em mấy điệu từ
Mảnh trăng thu.
(Công luận 22.3.1934, tr.3: Phụ trương phụ nữ)
Còn nếu kể bài thơ mới riêng biệt hẳn, thì cũng trên Công luận
(6.4.1935, tr.5: Phụ trương văn chương) có bài “Sống khổ và phấn đấu” ký
Hàn Mặc Tử, trước các bài thơ mới trên tờ Sàigòn:
Sao tôi thấy cuộc đời máu me lênh láng,
Như bãi sa trường trong lúc hỗn loạn.
Sao tôi thấy dân chúng bị lầm than
Dưới bóng mặt trời đầy dẫy hào quang...
Sở dĩ bút hiệu “Hàn Mặc Tử” được biết nhiều hơn là nhờ các tuyển tập
Thơ Hàn Mặc Tử đã phổ biến rộng hơn. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các văn
kiện cuối đời và liền sau cái chết của nhà thơ, từ khoảng 1939 đến 1941 thì
“Hàn Mạc Tử” là tên hiệu sau cùng theo người vào cõi thiên thu.
***
Đối với bút hiệu cũng như đối với bản thân và cuộc đời - qua các sáng
tác của Hàn, những phần đã xuất bản và những phần chưa thành tập, một số
thơ và khoảng 90 bài văn xuôi, trên gần 20 tờ báo ở cả Trung Nam Bắc -
hình như nhà thơ không khai trừ đường lối gì, nhưng đón nhận muôn hình,
muôn vẻ của cuộc sống và lòng người để khai phóng “hết những anh hoa
huyền bí” và “quy tụ, thâu về một mối”.
Cái “mối” mà cụ Phan Sào Nam, chủ nhân “Mộng Du thi xã” đã gợi lại
trong hai câu đối tặng khách hưởng ứng bốn phương, trong Thực Nghiệp
Dân Báo, 23.8.1931:
Duyên văn tự lai lai láng láng nước biếc non xanh,
Mối tinh thần có có không không trời cao bể rộng