Nhớ Hàn Mạc Tử
Buổi sáng mùa thu ngày 20/9/1940, ánh bình minh đan xen kẽ lá dừa
sưởi ấm cho Quy Hòa. Nơi nhà thương Nam có những bệnh nhân già yếu
đang run run vì gió lạnh ngoài biển thổi vào. Mẹ Juetta người Pháp, phụ
trách nhà thương Nam, đẩy chiếc xe đi băng bó các vết thương của từng
bệnh nhân, với đôi tay lau rửa nhẹ nhàng, băng bó gọn gàng, sạch sẽ cùng
nụ cười tươi vui, lời thăm hỏi thân ái thương mến.
Bỗng có tiếng thắng xe ô tô trước nhà thương Nam làm bệnh nhân người
nhìn ra cửa sổ, kẻ lẹ chân chạy ra gần chiếc xe. Anh em còn trong nhà thì
bàn tán “Chà, ai vô đây! Già hay trẻ, bệnh nặng hay nhẹ?” Còn Mẹ Juetta lẹ
làng chạy ra cửa tiếp hồ sơ nơi tay bác y tá đứng tuổi với nụ cười và lời cám
ơn. Ngoài sân, bác tài xế già cũng đã mở cửa nhưng người bệnh đó như bị
tê hai chân nên gắng gượng lắm mới đứng lên được, đầu gối run run bước
từng bước một, tay bám vào hông lòng xe cho khỏi ngã. Mẹ Juetta: “Mau
đưa tay cho mẹ đỡ con xuống”. Người bệnh đó chưa kịp lần ra tới thì mẹ đã
bước đến xốc lên và để xuống rất nhẹ nhàng. Rồi vừa dìu người bệnh đi lần
lên tam cấp, Mẹ vừa ngoái cổ nói lại với bác y tá và bác tài xế “Xin cám ơn
các ông”. Và qua lời “Chào mẹ, chào bà con” họ lên xe trực chỉ về Quy
Nhơn. Theo bàn tay dìu đỡ của Mẹ Juetta người bệnh cố đi như lết, đầu
nhìn xuống đất trước bao nhiêu cặp mắt dán theo tò mò về cái hình hài gầy
gò, nhỏ thó đó là ai, ở đâu? Đến giường số 3, Mẹ dừng lại, nhìn hồ sơ và
nhẹ nhàng nói: “Trí, đây là chỗ của con”. Tôi (Nguyễn Văn Xê) ôm hành lý
gói bằng giấy báo cũ của Trí mà lúc nãy bác tài xế chỉ cho tôi lấy ở trên xe,
để lên đầu chiếc tủ con (table de nuit) rồi tiếp tay với anh lao công trải
chiếu chăn cho Trí. Làm xong, tôi nói với Trí khi đó đang đứng vịn vào
giường run run: “Anh Trí lên giường nằm cho khỏe”. Trí gật nhẹ đầu, rút
đôi chân sưng đen ra khỏi đôi bata trắng cũ rích đã ngả sang màu vàng xám,
có mùi hôi thối, đã bị đạp nhẹp ở cuối gót để thành dép lê dễ xỏ chân. Mẹ
Juetta khi đó đã lẹ làng bưng đến một tách lớn đầy sữa nóng và múc từng