Và ở đây, tôi xin có vài ngụ ý về vụ án Hàn Mạc Tử giữa hai ông Quách
- Trần. Thú thật, cho đến nay tôi không rõ ai là người trong hai ông được
Hàn Mạc Tử và gia đình chấp thuận giữ tác quyền xuất bản vì từ lúc ông
Mại đến Quy Hòa gặp tôi vào mùa thu 1941 đến trước khi ông tập kết ra
Bắc thì ông chưa hề gặp tôi lại lần nào. Còn ông Tấn thì trước giờ tôi chưa
hề hân hạnh diện kiến hay trao đổi thư từ gián tiếp mà tôi chỉ được ông gửi
tặng thơ văn qua tay Huyền Diệp Tử với lời nhắn tôi có kể ở trên. Tôi xin
đề cập lại lúc sắp chết, Trí có tặng tôi tập thơ và chỉ đặc biệt nhờ tôi gửi thư
báo tin đến hai người là Trần Thanh Mại và Quách Tấn mà thôi. Vậy thì tôi
xem như Hàn Mạc Tử đã “di chúc” qua lời nhắn với tôi, để tôi làm thành
văn bản là lá thư gửi tác quyền xuất bản cho cả hai ông Quách - Trần một
khi Trí đã chết.
Đã gọi là nghiên cứu, biên khảo về Hàn Mạc Tử thì ở đây tôi cũng bắt
chước ông Trần Thanh Mại khám phá và cô đọng lại rằng Hàn Mạc Tử sinh
ở biển, yêu ở biển, chết chôn ở biển và nay chúng ta đã biết là nhà thơ nằm
ở biển. Còn tôi thì khám phá ra nơi sống và yêu của nhà thơ là Lầu Ông
Hoàng ở Phan Thiết. Ngôi mộ cải táng hiện nay của anh cũng gần Lầu Ông
Hoàng, nơi an dưỡng của hoàng đế triều Nguyễn cuối cùng là Bảo Đại
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.
Còn người bạn trẻ Huyền Diệp Tử thì nói với tôi rằng đời Hàn Mạc Tử
là chữ Bình vì sinh ở Quảng Bình, tuổi niên thiếu ở Bình Định, làm báo ở
Tân Bình (Sài Gòn khi xưa là Phủ Tân Bình) yêu đương ở Bình Thuận và
chết ở Bình Định.
Và cuộc đời Hàn Mạc Tử thì quá đau khổ cả phần hồn lẫn xác nên tạo
hóa đã an bài chọn tên thánh là Franois (Phanxicô) để rồi ngày cuối cùng
ông đã gửi xác thân tàn tạ đau thương nơi phần đất của dòng họ Franois
Dassise (Phaxicô Khó khăn).
Mường tượng lại sự sinh hoạt của Trí trong những ngày sống ở Quy
Hòa, tôi thú nhận chưa bao giờ nghe Trí nhắc đến một nàng con gái nào chứ
đừng nói là kêu gào, than khóc, nhớ thương, mộng tưởng như trong thơ Hàn
Mạc Tử:
Nghệ hỡi Nghệ! Muôn năm sầu thảm