Hàn Mạc Tử và bài thơ thôn Vỹ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ,
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên?
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây;
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa;
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?
1939
***
Đây thôn Vỹ Giạ trong phong trào thơ mới 1932-1945 có lẽ là một trong
vài bài thơ phổ biến nhất, đã được đem ra giảng dạy tại nhà trường dưới
nhiều chế độ khác nhau, có thể vì nhiều lý do khác nhau. Bài này chỉ nêu
lên giá trị nghệ thuật, trên nhiều địa tầng khác nhau.
Bài thơ làm khoảng nửa sau năm 1939, khi tác giả đã bị bệnh phong hủi
nặng, đang điều dưỡng tại Quy Nhơn. Thơ làm khi nghĩ tới, hay để gửi cho
người tình trong mộng là Hoàng Cúc sau khi nhận được một tấm bưu ảnh
bà gửi từ Huế.
Tiểu truyện kể lại rằng, trước đó, 1932, chàng 20 tuổi, nhà nghèo, làm ở
sở đạc điền Quy Nhơn. Nàng mười tám, mười chín, gia đình khuê các, thân
phụ là cấp trên của Hàn. Hai người có lúc cùng ở chung đường. Tình thơ
mộng, đơn phương của tuổi hoa niên, chàng đã từng làm nhiều thơ ca ngợi: