dựa theo văn bản trong sách Trần Thanh Mại, 1941. Ông xếp bài thơ vào thi
tập Xuân như ý, dưới tên Đây thôn Vỹ Giạ (tr.223), chúng tôi tôn trọng
chính tả này. Ấn bản sau đó, 1942, Hoàng Trọng Miên xếp vào tập Đau
Thương, dưới chính tả Vỹ Dạ, thịnh hành ngày nay, và dưới tên Hàn Mặc
Tử.
Ngày nay, bài thơ được đưa vào chương trình giảng dạy cấp ba, nhiều
soạn giả, như Hà Minh Đức, xếp bài thơ vào thời điểm sáng tác 1937, trong
đặc san Nắng Xuân, là không đúng.
***
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên...
Là một trong dăm ba câu thơ đẹp và trong sáng nhất trên nền trời thơ
Việt Nam. Thần diệu trong đơn giản, câu thơ gợi lên một không gian đơn sơ
nhưng tuyệt vời - và không gian ngoại thành Huế ấy cũng là phong cảnh
quê hương chung của chúng ta, mà có lần Văn Cao đã khắc họa trong bài
hát “bóng cau với con thuyền, một dòng sông”.
(Ghi chú ngoài lề: Văn Cao “khám phá” thơ Hàn Mạc Tử trong chuyến
thăm Huế, 1941.)
Đây Thôn Vỹ Giạ gồm 3 đoạn đều cấu trúc trên nhiều câu hỏi, mở đầu
bằng chữ Sao. Chữ Sao, nghi vấn và biểu cảm, khơi nguồn một bài thơ, sẽ
là một đặc sắc của thơ mới:
Sao buổi đầu xuân êm ái thế... (Xuân Diệu)
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong... (Thâm Tâm)
Nhạc điệu tân kỳ: câu thất ngôn Việt Nam nhịp 3/4; câu thơ đường luật
nhịp 4/3. Câu thơ Hàn Mạc Tử khác lạ, khoan thai, tự nhiên 2/3/2:
Sao anh / không về chơi / thôn Vỹ
Sáu âm bằng liên tiếp, nhịp những bước chân đều, dừng lại ở âm trắc
cuối câu. Mãi sau này ta mới gặp âm điệu ấy ở Nguyễn Đình Thi:
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Hay trong Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm:
Anh đưa em về sông Đuống...
...Ai về bên kia sông Đuống