...Bao giờ về bên kia sông Đuống
Độ dài ngắn từng câu có phần xê xích, nhưng âm hao thì gợi nhớ câu thơ
Hàn Mạc Tử.
Địa danh sông Đuống đưa âm trắc bất thường về cuối câu, nhắc đến tên
thôn Vỹ.
Trần Thanh Mại
là người uyên bác và đã dày công đưa ra chuyên
luận đầu tiên về một nhà thơ đương đại, và đề cao Hàn Mạc Tử, từng ca
ngợi bài thơ này như một “viên ngọc vô ngần quý giá (tr.60), nhưng lại chê
câu đầu là một “sơ suất”: câu ấy là một câu nói thường chứ không thể là
một câu thơ, “Vỹ” cũng không vần với “lên”, với “điền” hay với “ngọc”
được (tr.224).
Hàn Mạc Tử hoàn toàn theo đúng âm luật khi dùng vần trắc như thế, như
ông đã làm nhiều lần: “trăng nằm sóng soải trên cành liễu”, và như Huy
Cận viết “sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Chỗ này, ngược lại, là một
“sơ suất” của chính Trần Thanh Mại, có lẽ vì chủ quan và viết vội. Còn nói
rằng, đây “là một câu nói thường, không thể là một câu thơ” là một lỗi
thẩm âm. Thơ hay, là khi câu thơ đi gần tới văn xuôi mà không phải văn
xuôi; văn xuôi hay là khi câu văn đi gần tới thơ nhưng không là thơ. Ví dụ
từ Xuân Diệu:
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò
Câu trước văn vẻ, trau chuốt, hay cái hay thông thường của văn chương;
câu sau hồn nhiên, hay cái hay kỳ diệu của chất thơ, một nghệ thuật vượt
qua kỹ thuật. Câu thơ hay thường khi là ngôi sao sáng một mình, mà
Roman Jakobson gọi là hiện tượng câu thơ mồ côi, không phải trường hợp
câu “sao anh không về chơi thôn Vỹ”, vì âm điệu mà ông Mại cho là “trái
tai”, đã chuẩn bị cho một câu khác, ở phần sau, cũng ngoại luật:
Mơ khách đường xa khách đường xa
Bình thường, theo âm luật, thì trong câu thơ thất ngôn, chữ thứ hai và
thứ sáu phải cùng một thanh, hoặc bằng, hoặc trắc.