Thanh điệu làm nổi bật chữ “về”, dấu huyền, giữa câu, đáng lẽ phải là
âm trắc theo quy luật Gió theo lối gió, mây đường mây. Chữ “về”, đắc địa
và đắc ý, là một từ rất Huế. Người Việt dùng chữ về để diễn tả sự trở lại: về
nhà, về làng, về nước, về nguồn...; người Huế, đi đến nhà bạn, ở xa, cũng
dùng chữ “về”, thân ái, tâm tình. Mỗi tình bạn là một quê hương, một đợi
chờ, “một cõi đi về” như tên bài hát của nhạc sĩ người Huế Trịnh Công Sơn.
Lại mang máng nhớ thêm: “Sao em không lại...Trong cơn đau vùi... Làm
sao có nhau...”. Phạm Duy, không phải người Huế, cũng viết Về miền
Trung, và đã tế nhị lặp lại nhiều lần động từ về trong nghĩa tâm tình đó. Mà
về, thôn Vỹ xa xuôi, chỉ để “nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”.
Tiếng Việt phân biệt nắng với mặt trời. Thấy nắng trước khi thấy mặt
trời; câu thơ diễn tả niềm vui, có khi là hạnh phúc, khi bắt gặp tia nắng trên
đọt cau, rồi mới ý thức được ánh sáng ngoại giới, êm ả như cảnh Nắng
trong vườn của Thạch Lam. Nắng đẹp thường là nắng mới, và nắng sớm; và
đẹp nhờ thiên nhiên phản chiếu. Cây cau đẹp vì thân mảnh mai cao vút, cắt
những tàu lá nhọn rủ xuống trên nền trời; lá trúc cũng vậy. Tàu cau, cành
trúc giúp ta yêu một màu trời, nâng tầm nhìn và tầm suy nghĩ lên cao để yêu
một khóm mây, một làn gió, một tia nắng quái, một mảnh trăng non.
Người Huế, chính xác hơn là người Vỹ Dạ, Bửu Ý đã có lời ca ngợi tàu
cau trong bóng nắng chiều thật hay: “Ở làng quê, cây mau cao nên chiều
mau xuống (...). Tàu cau nhễu bớt bụi sáng xuống nụ tầm xuân. Chị ru em
bằng tiếng hát bèo trôi”
.
Nắng mới lên thoạt tiên trên những đọt cau có khi còn lóng lánh sương
đêm, rồi mới xuống dần, xuống dần, theo từng đốt thân cau, cao và thẳng
đứng, xuống dần đến mảnh vườn xanh như ngọc.
Vườn ai mướt quá...
Từ “ai” đã từng gây hiểu lầm. Nó là từ phiếm định, không chỉ riêng vườn
của một chủ nhân nào cụ thể, mà có nghĩa là một mảnh vườn nào đó, của ai
đó, như chữ ai trong câu cuối tiểu thuyết Đôi Bạn của Nhất Linh “đèn nhà
ai mới thắp, yếu ớt trong sương, trông như một nỗi nhớ xa xôi đang mờ
dần...”. Vì tính cách phiếm định đó mà trong các bản dịch ra tiếng Pháp của