nhà xuất bản Ngoại văn, Hà Nội (1975, tr.438), hay Gallimard-Unesco,
Paris (1981, tr.149), người dịch đã sử dụng số nhiều “les jardins”, thậm chí
“mặt chữ điền” cũng số nhiều. Bản Peras và Vũ Thị Bích, Paris (2001,
tr.161) dịch vườn ai thành “un jardin” cũng trong thể phiếm chỉ.
Sở dĩ phải dài dòng như vậy, vì gần đây, Nguyễn Bá Tín giải thích “vườn
ai” là ám chỉ vườn bà Kim Cúc, mà ông có đến viếng, khiến bà đã bất bình;
vì vườn bà, không trồng cau, là loại cây “bình dân”, “và cũng không ai
trồng cau ở Vỹ Dạ”
. Gần đây, người trong gia đình bà Kim Cúc cho tôi
biêt, khu vườn Hàn Mạc Tử đã đến 1936, và nơi ông Tín đến, 1985, cùng
thuộc Vỹ Dạ, là hai chốn khác nhau, và bà không nói những câu ông Tín
nêu lên.
***
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Vườn. Ôi vườn xưa trong những bóng trưa! Người xưa tượng trưng hạnh
phúc địa đàng trong một khu vườn. Tôi mường tượng là một khu vườn thôn
Vỹ, đơn sơ như lời tả của Bửu Ý, bạn tôi: bụi hóp sống chung với hàng chè
tàu, vườn trước thì nở tằn tiện một hai khóm hoa đủ làm vui mắt người đi
đường. Đã có người gọi Đồng bằng sông Cửu Long là văn minh Miệt
Vườn, cũng có người gọi văn hóa Huế là văn hóa Vườn, mà Lê Quý Đôn đã
từng ca ngợi. Vườn ai mướt quá... Âm hao mềm mại, óng ả, lưu luyến nhờ
những nguyên âm đôi, làm nổi bật chữ ai dịu dàng, tình tứ, rất Huế: ai ngồi
ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai mong... thuyền ai thấp
thoáng trên sông.
Lá trúc che ngang... Lá trúc ở đây, là rào giậu, phân định ranh giới của
vườn. Không rào giậu thì không thành vườn. Vườn là một địa phận môi
giới, giữa cõi trong và cõi ngoài, chưa phải là cõi riêng nhưng không còn là
của chung. Là trung gian giữa thiên nhiên và văn hóa. Là nhân loại chuyển
mình từ đời sống du mục sang đời sống định cư, là giấc mơ đoàn tụ giữa
Chức Nữ với Ngưu Lang, lời tình tự lứa đôi, có cu gáy và bướm vàng nữa
chứ... (Huy Cận). Là hạnh phúc có khi đang thực tại, có khi trong ước mơ