hay niềm tiếc nuối một thiên đường đã mất. Thiên đường xanh những mối
tình thơ dại, chẳng hạn, như thơ Baudelaire, một trong những bậc thầy của
Hàn Mạc Tử.
Hãy trả lại cho Hàn Mạc Tử hàng cau thôn Vỹ trong những vườn trăng:
“Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người
thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo.”
Câu văn này, mở đầu lời Tựa tập Thơ Điên, tình cờ thôi, như cô đọng cả
bài thơ thôn Vỹ, một dòng suối tuôn ào ra khỏi tâm tư. Nó là một tâm cảnh,
một thực thể duy nhất, cần được nhìn và cảm nhận như một tổng hòa toàn
bích, và cảm nhận bằng trực quan thẩm mỹ.
Một tác phẩm nghệ thuật, bản nhạc, bài thơ, bức tranh, là sáng tác của
một cá nhân nghệ sĩ, trong một khoảnh khắc, một địa phương nhất định,
nhưng đồng thời nó cô đúc rung cảm của nhân loại từ muôn nơi, muôn
thuở. Câu thơ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Không khỏi gợi nhớ một câu của Trương Nhược Hư (đời Đường, đầu thế
kỷ 8) trong Xuân giang hoa nguyệt dạ (Đêm hoa trăng trên sông xuân,
nguyên là tên một điệu hát xưa):
Thùy gia kim dạ thiên chu tử
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu.
(Nhà ai đêm nay dong thuyền nhỏ
Chốn nào tương tư lầu sáng trăng)
Không cần dịch khó khăn, tôi bê nguyên xi câu thơ Hàn Mạc Tử vào:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
(Trăng sáng lầu ai thương nhớ ai)
Xem đại ý, thậm chí lấy từng chữ ra mà so, cũng không xê xích bao
nhiêu. Mà cũng chưa chắc Hàn Mạc Tử đã biết Trương Nhược Hư. Nghệ
thuật quả là một thế giới đồng cảm kỳ diệu.
Thuyền ai đậu bến sông trăng...
Còn nhắc câu thơ Tản Đà dịch Phong kiều dạ bạc của Trương Kế đời
Đường: