Thuyền ai đậu bến Cô Tô...
Câu này thì Hàn chắc biết.
Sau đó:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Là một câu thơ khó hiểu. Ai mơ, chủ từ của động ngữ là gì? Người dịch
ra tiếng nước ngoài, để tạo mạch lạc với câu tiếp theo, thường cho khách
đường xa làm chủ từ. Đây là một trong nhiều cách tiếp cận; nhưng câu thơ
có thể không duy lý, mà chỉ là lời lẩm bẩm trong một giấc mơ thức tỉnh, và
cả đoạn thơ chập chờn như một giấc mơ, gợi nhớ đến bài Mon rêve familier
(Giấc mơ thân thuộc) của Verlaine, thậm chí bài Nắng mới của Lưu Trọng
Lư “chập chờn sống lại những ngày không”, dĩ nhiên là nội dung khác biệt.
Khách đường xa có thể là hồi âm câu đầu sao không về, qua một không
gian đã trùng trùng xa cách.
Áo em trắng quá: trắng màu trinh nguyên, ngây thơ, vô nhiễm, linh hiện
trong giấc mơ vô tội. Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong... (Huy Cận) lung
linh, huyền huyền ảo ảo, mờ sương mờ khói.
Sương khói ở đây là thời gian xa cách, che lấp và bôi nhòe, tan biến.
Như ý một câu thơ cổ, trong Hoa Tiên: đã sương đã khói đã vài năm nay.
Nhân ảnh là từ Hán Việt duy nhất trong bài thơ, một từ uyên bác trong cõi
nôm na, tạo thêm nét cổ kính, trang trọng cho một lời tâm sự đơn giản. Có
lẽ tác giả đã mượn ở Cung oán ngâm khúc một hình ảnh vô cùng hợp tình
hợp cảnh: Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương. Trong bài thơ thôn Vỹ,
chữ nhân ảnh có nghĩa là hình bóng người xưa, một chút nghĩa cũ càng
đang mờ dần nhạt dần với thời gian. Nhưng hiểu rộng ra, trong kinh Phật,
nó còn diễn tả kiếp sống mong manh, có có không không. Các cụ sẽ xem
câu thơ này là điềm dữ cho tác giả, một câu thơ “trệ”, báo hiệu việc không
may. Như cái chết sắp đến.
Hiểu như vậy là lìa xa văn bản, nhưng xích gần lại định mệnh thảm khốc
của nhà thơ.
Vì chỉ khoảng một năm sau khi sáng tác Đây thôn Vỹ Giạ, Hàn Mạc Tử
qua đời, đi vào Vườn trăng Vĩnh viễn.
Đặng Tiến