Thì ra công cuộc đổi mới thơ nào cũng đầy thử thách, đòi hỏi người nghệ
sĩ phải dám dấn thân. Có niềm say mê, khát khao thôi chưa đủ, mặc dù điều
đó rất đáng quí. Tài năng ư? Dĩ nhiên cần, nhưng chưa xong. Đổi mới thơ
sẽ trở thành câu chuyện phù phiếm, viễn tưởng nếu người nghệ sĩ thiếu đi
phông văn hóa cần thiết, thiếu đi bản lĩnh giải phóng tư tưởng của mình và
tư tưởng của con người nói chung ra khỏi những “điều cấm kị” vốn đang
trở thành thiết chế khắc nghiệt nhất đối với kẻ cầm bút.
Tiền đề của đổi mới thơ, phải chăng bắt nguồn từ sự khám phá ra một
thế giới văn hóa trong thế giới nhân sinh, thế giới của sự tự do dân chủ. Câu
chuyện cách tân văn chương đến nay và mai sau vẫn luôn xoay quanh vấn
đề tư tưởng, quan điểm của nghệ sĩ đối với thực tại, đối với sự sống.
Chẳng bao giờ có nhà nghệ sĩ lớn nếu anh ta không được sáng tạo tự do -
trong ý nghĩa nghiêm ngặt và đời thường nhất của nó. Thử hình dung thế
này: một người “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” thì sản phẩm của anh ta
cả khi còn trong trứng nước lẫn khi chào đời - khao khát được sống với đời
sống riêng của nó, sẽ không thể vượt quá giới hạn thực tế cho phép. Chừng
nào tư tưởng, ngôn ngữ còn bị gông xiềng trói buộc thì chừng đó còn có
nhiều bi kịch. Một số độc giả thích “sự nổi loạn” quyết liệt của nghệ sĩ.
Nhưng người thơ ít tạo ra “sự nổi loạn” đáp ứng mong mỏi của họ. Không
hiểu sao tôi thích Trường thơ Loạn, thích “sự điên” của người làm thơ. Phải
chăng vì trong sự điên ấy - theo cách nói của Hàn Mạc Tử - những bí mật
của con người được phơi bày ra đầy đủ nhất, chân thành nhất. Phải chăng
nhờ “sự điên cố ý” ấy, tôi và các bạn đọc khác được biết đến một thế giới
khác - thế giới của vô thức, siêu linh, thế giới của linh hồn, ý niệm. Chứ
không hẳn tôi tò mò, vì điều đó sẽ chóng qua đi. Cũng có thể hiện tượng
“điên loạn cố ý” của người cầm bút đã tạo ra cảm giác lạ, nhận thức lạ trong
khi những người giáo điều, bảo thủ không thể đem lại điều đó. Đến đây thì
không hẳn tôi ủng hộ “người phá phách ngôn từ”, vì tôi biết sự vô lối
thường yểu mệnh. Tôi chợt nghĩ, nhà thơ đôi khi phải “đồng bóng” một
chút, ngôn từ phải ma mị một chút.
Đọc thơ Hàn Mạc Tử, Hoài Thanh cho rằng nhiều lúc thi sĩ lạc vào thế
giới đồng bóng. Hàn Mạc Tử lạc tới một cõi thơ, một miền thơ ít được