người đời biết đến. Hàn Mạc Tử thường nói tới khu vực bí ẩn chứa mọi sự
tương giao. Ở đó không còn chỗ đứng cho nếp tư duy cũ kĩ, sáo mòn. Thi sĩ
thành thực bày tỏ: “‘Thế giới kì dị’ của tôi được ‘tạo ra khi máu cuồng rền
vang dưới ngòi bút’.” Chính ở “thế giới đồng bóng” ấy, sự tự do của người
thơ mới được thể hiện trọn vẹn, đầy đủ nhất. Thi sĩ xuất hiện giữa làng thơ,
sắm vai một người khách lạ, trụ vững trong làng Thơ mới với tầm vóc một
đỉnh núi lạ.
Tôi nghĩ, ý thức đổi mới thơ biểu hiện rõ rệt ở khát khao phá bỏ những
thành trì kiên cố đang ngự trị trong đời sống văn hóa tinh thần của tộc loại,
từ đó mở ra những con đường mới mà ý thức phong bế, lệ thuộc không làm
được. Con đường thơ ấy có thể dài rộng tùy theo điều kiện văn hóa chính trị
cho phép, có thể ngắn ngủi đến không ngờ. Biết bao nhà thơ phải lao tâm
khổ tứ cả khi sống, lẫn khi sáng tạo. Thậm chí phải trả giá đắt, vì muốn có
được một chuyến đi xa trọn vẹn cho riêng mình. Theo đuổi một lối thơ đến
kiệt cùng đâu có dễ gì. Tạo ra một lối thơ mới càng khó khăn hơn. Huống
chi khi chập chững bước vào nghề đã bắt đầu chịu ảnh hưởng một lối thơ
nào đó rồi, mà muốn có thành tựu gì đáng kể, nếu không phải người có tầm
vóc tư tưởng lớn lao thì đâu có thể vượt lên nổi. Những người “theo đóm ăn
tàn” chắc chắn sẽ bị chính lối thơ có vẻ tân kì kia nhấn chìm, đè bẹp.
Trường hợp của Hàn Mạc Tử thì sao? Cứ theo hành trạng thơ thì thấy: thi
nhân đã phải rẽ ngang ở đoạn đường nào đó. Văn chương cũng cần lắm sức
mạnh khai sơn phá thạch của người thơ. Tôi nghĩ mọi cuộc cách mạng,
trong đó có thơ ca, để nảy sinh, phải hội đủ những điều kiện nào đó. Ví dụ,
ở phương diện chủ quan, phải tính tới ý thức cá nhân cá tính, ý thức về sự
tự do, dân chủ trong sáng tạo. Ở phương diện khách quan, nên quan tâm tới
bối cảnh văn hóa chính trị đã chi phối tới sự viết, sự sống của kẻ cầm bút.
Nghĩ thế, có phần xa rời thực tế. Vì hầu hết những thử nghiệm, cách tân thơ
ca ở ta đều bắt nguồn từ sự tiếp biến tư tưởng văn hóa phương Tây, ít có
cuộc cách tân nào thuần nội tại. Người thơ luôn luôn đến muộn, muộn so
với người mấy chục năm, chừng hàng trăm năm.
Công bằng, không phải nhà thơ Việt “chậm chạp” đổi mới, mà thực ra
những điều kiện văn hóa xã hội nào đó chưa chín muồi, chưa có những điều