kể trong sân thơ chật hẹp nhường ấy. Hiển nhiên, nếu thiếu ý thức tranh đấu
quyết liệt cho sự tồn tại của khuynh hướng thơ tích cực thì ý đồ cách tân thơ
nào đó sẽ nhanh chóng thất bại. Hơn nữa, theo tôi, chính nội lực sáng tạo
dồi dào, tài hoa của người viết sẽ quyết định đường hướng thơ, số phận thơ
của họ. Lấy trường hợp Hàn Mạc Tử làm ví dụ. Tập thơ Đau thương, một
tập thơ đậm tính cách tượng trưng nhất của Hàn Mạc Tử, được soạn từ năm
1937 và chỉ một năm sau thì hoàn thành. Song sinh với Đau thương, có
Điêu tàn của Chế Lan Viên (1937). Tinh huyết của Bích Khê ra đời muộn
hơn (1939). Tập thơ Tinh huyết lại do chính Hàn đề tựa, sau khi ông đã giới
thiệu Chế Lan Viên trên báo Tràng An (1936), và Xác thu của Hoàng Diệp
(1937). Tại thời điểm Tinh huyết chào đời, Hàn Mạc Tử đã đi qua lối thơ
tượng trưng và bắt đầu đặt chân lên mảnh đất siêu thực. Thi tài của Chế Lan
Viên, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Bích Khê... được thừa nhận. Và chúng ta
không thể nhắc đến công sức của người này mà bỏ đóng góp quan trọng của
người kia.
2. Hàn Mạc Tử với nhiều ngã rẽ
Phan Sào Nam tiên sinh từng hết lời ca ngợi thơ Đường luật của Hàn
Mạc Tử. Tưởng Hàn Mạc Tử cứ phong vận đó đến với chúng ta. Ai ngờ thi
sĩ họ Hàn kia đã sớm cởi bỏ y phục cũ kỹ, mặc “Âu phục” để bước vào làng
Thơ mới. Từ năm 1936, Hàn Mạc Tử sánh vai với Gái quê đi về cõi hư linh,
bay lên với trăng sao, với hồn, nhạc... Thế giới thơ Hàn Mạc Tử thánh thiện
và huyền diệu. Ở đó, hư thực không thể phân biệt rõ ràng. Hàn Mạc Tử trở
thành một “điềm lạ”, một hiện tượng thơ phức tạp và còn nhiều bí ẩn.
Đọc Hàn Mạc Tử lâu nay, người ta thường xem trọng tinh thần lãng mạn,
mà ít chú ý tới yếu tố tượng trưng và yếu tố siêu thực - cái làm nên bản sắc
thơ của một tài năng kì lạ và “đau thương tột cùng” này. Trong bài “Đôi nét
về Hàn Mạc Tử”, Quách Tấn, bạn tâm giao với thi sĩ sớm nhận thấy: “Ngay
từ tập Thơ điên, Hàn Mạc Tử đã “đi từ lãng mạn đến tượng trưng”. Từ
Xuân như ý đến Thượng thanh khí, thơ Tử lần lần từ địa hạt tượng trưng
đến địa hạt siêu thực”
. Thật hiếm có trường hợp nào, chỉ trong vài năm,
đã làm ba cuộc cách mạng thơ ca như Hàn Mạc Tử.