Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi?
(Cô liêu)
Ta là ta hay không phải là ta?...
Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ
(Siêu thoát)
Tôi còn ở đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu
Dù trong thời kì đầu và chặng cuối con đường, thơ của Hàn Mạc Tử
trong sáng, nhưng về cơ bản, Hàn Mạc Tử không có vóc dáng lí tưởng của
một thi sĩ lãng mạn thuần nhất. Tôi nhấn mạnh: Từ tập Gái quê trở về trước,
Hàn Mạc Tử sáng tạo ra “thơ hội họa”. Sau nó nghiêng hẳn về “thơ âm
nhạc”, “thơ điên”. Tập Thơ điên minh chứng cho con đường đi riêng của thi
sĩ về nhịp, nhạc, về khả năng biểu hiện bản giao hưởng của tâm hồn. Chính
Hàn Mạc Tử, trước khi vào nhà thương Quy Hòa, đã từng dặn Quách Tấn:
“Nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập Thơ điên... Không
nên để cho người đời thấy những bí ẩn của lòng mình.” Tôi thấy quan niệm
thơ khá thú vị của Hàn Mạc Tử trong câu nói có vấn đề này: Sáng tạo thơ
đồng nghĩa với khám phá và biểu hiện con người thứ hai trong mình. Con
người trong thơ thuộc về thế giới ẩn ức, tiềm thức đầy bí ẩn, nó là kẻ luôn
giấu mặt. Con người trong thơ như được tự do sống với bản lai diện mục
của mình. Trong khi sáng tạo, nhà thơ sống với cảnh giới mà mình chưa hề
biết, với trạng thái mà mình chưa trải qua, với thời gian, không gian phi
hiện thực. Tất cả đều bí ẩn đối với người viết và đối với người đọc.
Hàn Mạc Tử yêu cầu thơ ca phải phát ra tiếng kêu than rền rĩ:
Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt