chúng đều cự tuyệt thừa nhận hòn đảo là quê hương để an cư lập nghiệp lâu
dài. Trong sự bao trùm của tô tem hoang đường cùng với nỗi nhớ quê
hương, những thanh thiếu niên tham gia sáng tác văn học nghệ thuật trẻ
tuổi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này như tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc.
Trong tâm hồn bé nhỏ của chúng tôi cũng lắng đọng lại “nỗi nhớ quê
hương” sâu đậm.
Cùng với sự trưởng thành của năm tháng, những tư duy văn hóa được
tưới tắm vào đâu đó không ngừng song hành với kinh nghiệm cuộc sống,
tình cảm làng quê ở nơi đây. Trong sự phản tỉnh hết lần này đến lần khác,
từ chỗ bối rối, hoài nghi dần dần tôi biết cách phải nhìn thẳng vào điều mà
mình thực sự thuộc về, thực sự dựa vào nó để an thân lập mệnh. Mãi cho
đến cuối thế kỷ 20, tôi đăng chùm thơ Chúng tôi cũng có nỗi nhớ quê
hương của mình để tuyên bố rõ ràng: nỗi nhớ quê hương duy nhất của
chúng tôi chính là mảnh đất đang đặt chân lên này. Đó quả là một sự kiếm
tìm gian khổ mà dài dằng dặc.
Đối với những người từ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan, sự cách
biệt của hai bờ khiến họ không thể quay về đất cũ, tình cảm nhớ quê hương
viết nên thành thơ chính là tình cảm thông thường của con người. Lựa chọn
ra đi hoặc tự đày mình đến nơi khác, cả hai điều đó đều đáng được tôn
trọng. Thế nhưng thừa nhận môi trường sống của mình, thừa nhận mảnh đất
mà mình đặt chân lên càng là việc thiên kinh địa nghĩa, là bản năng có từ
lúc sinh ra, là điều không nên bóp méo. Là con dân Đài Loan, “bản năng”
ấy lại thường bị “giáo hóa” đến mức biến mất hoàn toàn, cần phải bỏ ra
không ít nỗ lực tự giác cũng chưa chắc đã có thể hoàn toàn tìm thấy trở lại.
Năm 2005,
Tuần báo Người Đài Loan mới
Nguyễn Thu Hiền dịch.