đất gần nhà cũ, chính là ngôi nhà của chúng tôi bây giờ, cách nhà cũ và
nghĩa trang cũng chỉ mấy trăm mét.
Nghĩa trang, trước đây người làng gọi là “mộ tử bộ”. “Bộ” có nghĩa là
“bãi cỏ”, là “đất hoang”. 50 - 60 năm về trước, khi tôi còn nhỏ, nghĩa địa
không những hoang vu vắng vẻ, cỏ bò lan mặt đất, mà còn có không ít bụi
tre, bụi gai, lùm cây um tùm, nảy sinh nhiều câu chuyện ma mị, thậm chí
từng nhìn thấy rất nhiều đầu lâu, cũng từng hiếu kỳ đi xem bắn tử tù, khám
nghiệm tử thi, thường ngày khó tránh khỏi những lúc có cảm giác đáng sợ.
Từ làng tôi đến ngôi trường cấp 1 tôi theo học khoảng 3,5km, lũ trẻ
đều đi bộ đến trường. Có hai con đường có thể đi, một là con đường xuyên
qua bãi tha ma, thông thẳng đến trường; hai là đường bờ kênh, tức là men
theo kênh tưới tiêu xuyên qua làng tôi mà đi, dọc đường có rất nhiều bụi
cây rậm rạp, khi trời gió thường phát ra tiếng vù vù, cành tre đung đưa,
tưởng như “ma ngọn tre” trong truyền thuyết xuất hiện vậy.
Nếu có bạn đi cùng, thì cả hai đường đều không đến nỗi đáng sợ, thậm
chí còn giả vờ sợ để dọa bạn, đùa một trận cho vui; nhưng khi lên lớp cao
hơn, bắt đầu phải học thêm, thường phải học đến chập choạng tối mới tan
lớp, trong khi đó các bạn cùng lớp trong cả làng tôi, năm nào cũng có người
bỏ học giữa chừng, đến năm lớp 6, chỉ còn lại tôi và một bạn nữa, nhưng
cậu ấy không tham gia lớp học thêm, đồng nghĩa với việc con đường đi học
về chỉ còn lại một mình tôi. Ở cái thời điểm chạng vạng hoàng hôn, dù là đi
một mình qua bãi tha ma, hay là một mình đi đường bờ kênh, thì giữa đồng
hoang bãi vắng trống trải, không sao tránh khỏi cái cảm giác sợ hãi mà rảo
bước thật nhanh.
Nhưng, bình thường thì chỉ cần gọi bè kéo lũ là xong. Từ thuở bé đến
giờ, cả cái nghĩa địa này với chúng tôi không cảm thấy có gì là âm u lắm,
ngược lại đó là không gian sống vô cùng thân thuộc.