nuôi” một nghĩa trang, thì cũng là điều đương nhiên và không có gì khó
khăn cả.
Trịnh Văn Đường - một đạo diễn luôn quan tâm đến vấn đề xã hội,
gần đây đến quê tôi quay phim, tôi cũng dẫn anh đi xem hình mẫu nghĩa
trang rừng này, anh cho rằng nếu cứ phải đi thuyết phục, huy động nhiều tài
lực trong dân gian như vậy để đầu tư, thì sẽ mất rất nhiều thời gian, nếu để
các ban ngành hành chính hoạch định thành chính sách, thì sẽ dễ thúc đẩy
một cách toàn diện hơn. Sau khi về Nghi Lan, anh lập tức bố trí cho tôi gặp
Chủ tịch huyện Lâm Thông Hiền.
Ngày 10 tháng 8, Trịnh Văn Đường dẫn tôi đến phòng làm việc của
Chủ tịch huyện Nghi Lan, anh mở đầu câu chuyện, sau đó tôi nói qua về ý
nghĩa, kỳ vọng và phương án cụ thể của mô hình nghĩa trang rừng. Chủ tịch
Lâm Thông Hiền tỏ vẻ hết sức đồng thuận, chỉ có một vài khó khăn nhỏ
cần khắc phục, chỉ thị rõ cho lãnh đạo các phòng Nông nghiệp, Công vụ,
Dân chính đang có mặt ở đó, khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch tỉ
mỉ, phối hợp với chính quyền các hương trấn để thực hiện.
Tôi thực sự rất cảm động, đây là sự cổ vũ thực chất nhất. Đời trước
trồng cây, đời sau hóng mát; đời trước chặt cây, đời sau gặp họa. Xã hội
Đài Loan đang trong quá trình theo đuổi phát triển kinh tế, đồng nghĩa với
quá trình chặt cây xanh, không chỉ chặt gần như hết sạch cây trên rừng, cây
phòng hộ ven biển, gây nên đại họa khôn lường, mà ngay cả cây ở đồng
bằng cũng không hề biết giữ. Nhất là từ khi có máy lạnh, điều hòa, mọi
người quen thói ỷ lại, quan niệm yêu cây, tiếc cây cũng chẳng còn mảy may
tồn tại.
Hiện tượng trái đất nóng lên ngày càng nghiêm trọng, đảo Đài Loan
nằm trong đới khí hậu cận nhiệt đới, vào mùa hè, hơi nóng bốc lên, nhiệt độ
tăng đột biến, cần lắm những bóng cây che chở!