Quán là trạm tiền tiêu của văn minh đô thị du nhập vào làng, là trạm
cung ứng đồ dùng hàng ngày cho thôn dân, đương nhiên cũng cung ứng cả
những hàng tiêu dùng có cũng được mà không cũng chẳng sao. Còn như
thế nào là đồ dùng hàng ngày, thế nào là hàng tiêu dùng, thì cũng phải tùy
theo sự biến đổi của xã hội và lối sống của mỗi một gia đình mà có sự phân
biệt khác nhau.
Xét riêng chuyện giấy vệ sinh, chỉ mới hơn chục năm về trước, khi
phần lớn người dân trong làng vẫn dùng “que chùi” được chẻ thành hai nửa
từ thân cây đay, trong con mắt của dân làng, giấy vệ sinh vẫn là một thứ
hàng xa xỉ cao sang, vậy mà bây giờ đã là thứ hàng tiêu dùng không thể
thiếu của mọi gia đình.
Quán cũng là nơi đám trẻ con nông thôn trông ngóng nhất, những thứ
đồ uống, bánh kẹo tương đối rẻ, cùng đồ ăn vặt, đồ chơi luôn thay đổi kiểu
dáng, theo quảng cáo trên ti vi mà không ngừng tràn về làng, luôn thu hút
mọi ánh nhìn của chúng. Rất nhiều gia đình nông thôn ít khi có những đồ
ăn khác ngoài ba bữa cơm, bởi thế mà đám trẻ hết sức thèm khát. Một khi
xin được tiền tiêu vặt, mà cũng họa hoằn lắm, là hầu như chúng chẳng giữ
được lâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể chạy ngay ra quán.
Bên trong bên ngoài mỗi quán đều bày mấy chiếc ghế để khách ngồi,
buổi tối và những ngày mưa, dân làng thường ngồi chật kín, mọi người ra
vào tự nhiên, không cần giữ ý, cùng lắm thì lúc mới đến hoặc trước khi ra
về, tùy ý chào hỏi một vài câu, cứ thế tự nhiên trở thành nơi tụ tập cố định
thường ngày của thôn dân.
Và nữa, trước cửa mỗi quán đều trồng một vài gốc cây tán dày rộng để
lấy bóng râm, phần lớn là cây đa, nhất là vào những trưa hè, dân làng ra
hóng mát, kẻ đứng người ngồi kín cả gốc cây, đám trẻ con thì nô đùa chạy
nhảy xung quanh, hết sức vui nhộn.
Còn đây là hàng quán như đã nói: