chịu khổ một vài năm để sung sướng mãn đời. Công trường thành lập với
công cụ quen thuộc là cuốc xẻng, xảo, sọt, đòn gánh và nhiệt tình hừng hực
của người chủ soái.
Ông Quốc Thanh tuyên bố: “Khoa học kỹ thuật chẳng qua cũng từ
thực tế mà ra, máy móc thì cũng phải nhờ con người mới phát huy tác
dụng, bàn tay ta làm nên tất cả.” Ông cùng hai thanh niên Mèo, chui rúc bờ
bụi suốt hai ngày liền, tới đâu dùng mắt ước lượng đó, rồi đóng cọc, chăng
dây rừng làm cữ cho lộ trình con mương. Rồi tiếp đó, hàng trăm người
đứng dàn hàng ngang, cứ theo đường dây rừng chăng làm cữ bổ cuốc. Gặp
đá thì đào, bẩy. Đá to quá hai người không vần nổi thì ba bốn năm người.
Hợp quần là sức mạnh thắng trời thấy chưa? Ông Quốc Thanh cười hể hả.
Gặp phải đá nền cản lối, không có mìn phá thì phát động quần chúng phát
huy sáng kiến chất củi khô lên trên, đốt thật lực; đốt mãi thì đá rắn mấy
cũng phải bở như vôi.
Con mương mới hiện hình mờ mờ non nửa đường đất, ông Quốc
Thanh đã hất hàm hỏi: “Bà con có muốn thấy nước lã thay dầu thắp đèn
không?” Mấy trăm dân công trên công trường chưa hiểu mô tê, đã thấy chủ
tịch Lở ký giấy điều mười trai tráng đi theo Quốc Thanh ra tỉnh. Tuần lễ
sau, những người này trở về, chân sưng u, mặt vêu vao, hổn hển không ra
hơi: “Gẫy cả vai, mòn cả chân mới khiêng nổi cái máy về tới làng Tày chân
núi được đấy. To lắm, nặng lắm! Chỉ có trời mới khuân được lên La Pan
Tẩn thôi.” Rồi ghé tai người thân: “Quốc Thanh nó có mất tí sức nào đâu.
Nó cưỡi ngựa đi theo. Thỉnh thoảng nó lại giục: Cố lên nào! Ghét quá, tôi
chỉ muốn cho nó ăn cồ đá!”
Ông Quốc Thanh đi thăm tuyến mương, trái lại, nói cười rổn rảng:
“Trời tôi cũng coi bằng cái vung nồi rồi, tôi lấy cái máy bay trực thăng cẩu
cái máy thuỷ luân ba kết hợp ấy về cho, máy này nó tài lắm nó vừa bơm
nước vừa xay xát vừa phát điện từ nay đàn bà con gái Mèo cái tay đã xinh
lại càng xinh vì không phải đẩy cái cối xay ngô, cái mắt con gái Mèo đã
sáng càng thêm sáng vì có cái điện soi sáng cái lỗ trôn kim lớ!”